Ngày 10-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, gặp doanh nghiệp nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn lấp rác lâu năm để tạo quỹ đất phát triển đô thị.
Cùng dự có các đồng chí: Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT...
Trân trọng từng sáng kiến vì TPHCM
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, lâu nay lãnh đạo TPHCM gặp doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, than phiền của doanh nghiệp. Song, TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với hơn 10 triệu dân; trung tâm khoa học công nghệ với 80 trường đại học, gần 200 viện, cơ sở nghiên cứu. Người dân TPHCM nói chung, các nhà khoa học, doanh nghiệp nói riêng chính là nguồn đóng góp sáng kiến cho sự phát triển của TPHCM.
Theo đồng chí, lãnh đạo TPHCM đã xác định, phát huy sáng kiến, sáng tạo của người dân TPHCM là nguồn lực quan trọng để phát triển TPHCM.
“TPHCM trân trọng các sáng kiến, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học. Khi có đề xuất, sáng kiến thì ít nhất giám đốc sở ngành liên quan phải lắng nghe và đề xuất cơ chế để phát huy các đề xuất, sáng kiến này”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. |
Đề cập vấn đề môi trường, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, vấn đề xử lý rác được người dân và các nhà đầu tư rất quan tâm. Trong các dự án xử lý rác tại TPHCM, nhiều năm qua, UBND TPHCM đã xác định sẽ chuyển hình thức xử lý rác từ chôn chủ yếu sang đốt rác thành điện là chính.
Dự kiến, trong tháng 9, 10-2019, TPHCM sẽ khởi công 2 nhà máy biến rác thành điện với mỗi công suất 2.000 tấn/nhà máy. Như vậy, với lượng rác thải ra phát sinh hàng ngày (hiện khoảng 9.000 tấn/ngày), việc hình thành 2 nhà máy này thì đến năm 2025 có thể xử lý 70% - 80% lượng rác thải sinh hoạt thành điện. |
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đề xuất của doanh nghiệp có khả thi, đảm bảo môi trường thì xây dựng quy trình chung để thực hiện.
Đề xuất táo bạo, tái sử dụng toàn bộ rác chôn
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc Công ty TDH EcoLand, đưa ra một đề xuất mới mẻ với TPHCM, là bóc toàn bộ rác chôn ở bãi rác Gò Cát và bãi rác Đông Thạnh để tái chế, tái sử dụng rồi xây dựng một khu đô thị xanh ngay bên trên bãi rác.
Trước khi đi vào cụ thể, ông Hồng giới thiệu về việc doanh nghiệp đang xử lý thành công một bãi rác ở Hải Dương (rộng 6,7ha; chứa hơn 1,2 triệu tấn rác và đóng cửa bãi rác từ năm 2011).
Theo ông Hồng, thời điểm doanh nghiệp nghiên cứu phương án xử lý thì khu vực xung quanh bãi rác ô nhiễm nặng, với nước rỉ rác tràn ngập.
Việc vận chuyển số rác này sang nơi khác sẽ tiếp tục gây ô nhiễm, vấp phải phản ứng của chính quyền và người dân. Do đó, bài toán đặt ra là chọn giải pháp cải tạo bãi rác tại chỗ, không làm phát sinh ô nhiễm, cũng không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước. Phương án xử lý triệt để, loại bỏ toàn bộ lượng rác đã chôn lấp rồi sử dụng quỹ đất để xây dựng khu vực thành đô thị xanh là giải pháp được chọn.
Ông Hồng nêu khá chi tiết các bước xử lý rác: Đầu tiên là việc đào móc toàn bộ lượng rác lên (thực hiện từng phần, sử dụng vi sinh không làm phát tán mùi hôi, phát sinh ô nhiễm) rồi làm khô. Qua nhiều bước phân loại, đơn vị sẽ bóc tách từng loại rác ra như tách rác hữu cơ, bùn đất để làm phân vi sinh; lựa rác nhựa, túi nylon để làm hạt nhựa, sản phẩm nhựa tái chế; kim loại được đúc thành bánh. Đối với số rác không tái chế, tái sử dụng được (chiếm khoảng 40%) sẽ được cho vào đốt, theo công nghệ Nhật Bản, có điều chỉnh cho phù hợp với rác của Việt Nam. Lò hoạt động 24/24 với nhiệt độ đốt duy trì trên 1.000°C nên khói thải ra chỉ là khói trắng và dioxin cũng được xử lý triệt để. Sau khi đốt, phần xỉ thu lại sẽ được dùng làm gạch sử dụng cho các công trình ngầm (do không được thẩm mỹ). |
Đề cập đến TPHCM, ông Hồng khẳng định đã khảo sát các bãi rác Gò Cát, bãi rác Đông Thạnh và nhận thấy ô nhiễm phát tán xung quanh cả bên ngoài bãi rác. Cùng đó, một diện tích đất giáp ranh các bãi rác này đang được sử dụng lãng phí, được người dân nuôi heo, chăn bò… và đang khá ô nhiễm.
Tuy nhiên, ông Hồng cam kết, trong vòng 2 năm, công ty ông sẽ xử lý triệt để lượng rác ở bãi rác Gò Cát và 1 năm sau đó là hình thành được khu đô thị xanh ngay chính bãi rác này.
Theo ông Hồng, sau khi xử lý xong bãi rác mà làm công viên tại đó thì không tạo ra được nguồn lực để giải quyết bãi rác và cung cấp cho xã hội một khu đô thị. Vì vậy, ông Hồng cho biết sẵn sàng lập phương án, đề xuất giải pháp công nghệ xử lý rác cũng như đề xuất phương án đầu tư, cải tạo bãi rác.
Cùng với đó là việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 phát triển đô thị trên diện tích của bãi rác và một phần lân cận.
“Chúng tôi đề xuất theo mô hình khu đô thị sinh thái Eco Park, phát triển đô thị ngay trên diện tích bãi rác với tỷ lệ xây dựng không quá 36%. Khi khu đô thị hình thành, nhìn bên ngoài như một công viên”, ông Hồng khẳng định. |
Trước các thông tin này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh đến yếu tố đặc biệt quan trọng là bảo vệ môi trường, trong quá trình cải tạo cũng như đảm bảo rằng sau khi cải tạo, khu vực từng là bãi rác không còn ô nhiễm.
Ngoài ra, sau khi cải tạo bãi rác sẽ hình thành một khu đất sạch thì về nguyên tắc, việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu giá. Việc đấu giá đất sẽ mang lại được khoản tiền lớn “chi trả ngược” cho chi phí cải tạo, xử lý bãi rác. Tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án xử lý bãi rác, dựa trên máy móc thiết bị, công nghệ là hết sức quan trọng.
Trước đề xuất này, Bí thư Thành ủy đề nghị doanh nghiệp cùng tham gia với Sở TN-MT TPHCM để xây dựng các tiêu chí đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư xử lý các bãi rác đã chôn lấp trên địa bàn thành phố. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; đảm bảo tính khả thi đối với nhà đầu tư và Nhà nước tốn kém chi phí thấp nhất.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao trong 3 tháng sẽ hoàn thành tiêu chí cho việc đấu thầu.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, thành phố cũng phải quy hoạch khu vực bãi rác và khu vực lân cận (nếu cần thiết) trở thành một khu đô thị, chứ không còn là khu vực xử lý môi trường. Đây là công việc của Nhà nước nhưng doanh nghiệp cũng có thể đề xuất phương án quy hoạch. Tuy nhiên, việc quyết định, hoàn chỉnh quy hoạch là thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Đây là công việc có thể thực hiện song song với quá trình xử lý, cải tạo bãi rác.
Sau đó, TPHCM sẽ chọn phương án thực hiện dự án, là đấu giá nguyên cục hay chia thành các dự án nhỏ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, doanh nghiệp đề xuất xử lý, cải tạo bãi rác có thể tham gia từ việc đấu thầu xử lý rác đến việc đấu thầu thực hiện dự án phát triển đô thị.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng khẳng định để khai thác thì các bãi rác chôn lấp phải đảm bảo đủ thời gian tối thiểu sau khi đã chôn lấp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 bãi rác chôn lấp lớn đã đóng cửa trên 10 năm là bãi rác Gò Cát (tại quận Bình Tân, rộng 25ha) và bãi rác Đông Thạnh (tại huyện Hóc Môn, rộng 40ha). Các bãi rác này đã đóng cửa trên 10 năm nên hiện nay đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo bãi rác để sử dụng quỹ đất đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bãi rác Đông Thạnh, tại huyện Hóc Môn, TPHCM Trong đó, bãi rác Gò Cát rộng 25ha, được đầu tư 24 triệu USD (Chính phủ Hà Lan tài trợ 18 triệu USD). Diện tích chôn lấp rác (chia làm 5 hố chôn) là 17,5ha. Bãi rác này đã đóng cửa vào năm 2007, sau khi nhận đủ 5,3 triệu tấn rác theo thiết kế. Từ đó đến nay, TPHCM vẫn tiếp tục xử lý khí (thu khí đốt điện, đưa lên điện lưới quốc gia) và thu gom, xử lý toàn bộ nước rỉ rác phát sinh. Qua phân tích, bãi rác Gò Cát có 5 thành phần rác chính, gồm: rác hữu cơ dễ phân hủy (khoảng 800.000 tấn), các chất hữu cơ khó phân hủy (khoảng 700.000 tấn), rác thải nhựa, rác kim loại (600.000 đến 70.000 tấn) và một số đất kèm theo vật liệu, rác chôn. Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết để xử lý bãi rác này thì phải đào lên toàn bộ số rác đó, làm khô, sàng lọc phân loại. Mùn và đất thì có thể chế biến thành phân hữu cơ, tạo phân vi sinh. Rác nhựa các loại thì được làm khô thì có thể ép thành thanh đốt phục vụ ngành xây dựng hoặc các ngành khác hoặc tái chế nhựa. Kinh loại cũng làm sạch, ép thành bánh, phục vụ các ngành khác. Việc tái chế, tái sử dụng hoặc làm phân này sẽ tạo được một nguồn thu, phục vụ cho việc cải tạo bãi rác. |