Chiều 30-5, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về sửa đổi 2 dự án luật giáo dục, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, từng là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã nêu quan điểm về vấn đề đầu tư của Nhà nước cho giáo dục.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Luật Giáo dục phải có chủ trương đủ sâu về đầu tư của Nhà nước cho giáo dục, vì giáo dục là quốc sách hàng đầu.
“Cần nêu rõ đầu tư cho từng bậc học như thế nào? Ví dụ tiểu học là miễn phí thì phải nói rõ. Chúng ta tính quy mô giáo dục phổ thông, nói rõ tiểu học miễn phí thì ra sao, còn nếu ai có điều kiện thì cho con học tư thục”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ.
Hoặc phổ cập trẻ 5 tuổi thì cha mẹ phải có nghĩa vụ gửi con đến trường đi học. Phổ cập thì Nhà nước phải bải đảm đủ trường và ngoài chất lượng giáo dục tối thiểu mà xã hội yêu cầu thì học phí nếu có thu cũng phải trên cơ sở bảo đảm khả năng chi trả của người dân; ai thu nhập thấp thì phải được miễn học phí. Tương tự, phổ cập THCS cũng vậy, tức là phải bảo đảm cho học sinh học đến hết lớp 9 được miễn học phí.
“Hiện nay chúng ta vẫn thu học phí THCS thì thu được bao nhiêu tiền/năm, nếu miễn thì ngân sách Nhà nước chịu được không? Tôi cho rằng, đến bây giờ Nhà nước có thể chịu được khoản này, vì quy mô học sinh phổ thông không tăng. Nếu làm được điều này thì chất lượng nhân lực của quốc gia ngày càng cao và người dân cũng sẽ có cái nhìn khác đi vì Nhà nước lo cho việc phổ cập giáo dục”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
“Tôi khẳng định nên kiểm tra lại số tiền học phí của THCS chúng ta thu hàng năm, tôi cho là không đáng bao nhiêu và Nhà nước nên lo. Thực tế, hiện nay học phí THCS đang chỉ thu rất tượng trưng”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Vẫn theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, về học phí đại học, hiện nay Nhà nước vẫn phải đầu tư một phần, hầu hết đại học phải bù chi phí đào tạo, vậy trách nhiệm Nhà nước đối với giáo dục đại học là ở đâu, phải làm rõ điều này?
“Ở đây phải thảo luận kỹ, có nên doanh nghiệp hóa đào tạo đại học hay không? Phải khẳng định là không thể lấy học phí để bù cho nghiên cứu khoa học ở đại học được, đó phải là đầu tư của Nhà nước hoặc sự tham gia của doanh nghiệp, vậy doanh nghiệp tham gia đến đâu, hiện nay thực tế thế nào, phải thảo luận kỹ”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, với đào tạo đại học, nếu người học khó khăn thì Nhà nước phải cho vay để học. Bộ GD-ĐT cần sơ kết lại chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, từ đó Nhà nước có chính sách hỗ trợ người học, không để người học mất quyền đi học và quốc gia cũng sẽ bị hụt nhân lực chất lượng cao.
“Không thể có chất lượng đào tạo bình quân, mỗi quốc gia đều phải có một số đại học trọng điểm. Đại học chất lượng cao phải nghiên cứu khoa học nhiều. Không nghiên cứu thì không có đại học chất lượng cao. Cần có một nghiên cứu các trường đại học thứ hạng từ 1-500 trên thế giới họ chi phí như thế nào cho nghiên cứu khoa học. Và phải khẳng định một điều: các đại học lớn không bao giờ học phí bù được chi phí, mà Nhà nước và các doanh nghiệp phải hỗ trợ”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Do đó, theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, sửa Luật Giáo dục phải rõ đầu tư của Nhà nước với giáo dục. Đặc biệt, cũng phải rõ đối với giáo dục công lập chất lượng cao thì Nhà nước phải đầu tư ra sao, vì chắc chắn học phí không thể bù chi phí. Vậy bài toán thế nào để người nghèo cũng được học giáo dục công lập chất lượng cao?
“Tóm lại, Nhà nước đầu tư giáo dục vào đâu? Cái nào phổ cập thì Nhà nước phải lo. Còn giáo dục công lập chất lượng cao để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì Nhà nước đầu tư thế nào, cần phải làm rõ”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.