Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm trên toàn cầu, đã có khoảng 18 triệu người nhiễm, dự báo từ ngày 12 đến 15-8, toàn cầu có tới 20 triệu người nhiễm, mức độ rất cao. Đã có 4 nơi trải qua làn sóng dịch thứ hai là Nhật Bản, đạt đỉnh làn sóng thứ nhất vào ngày 29-4 với 11.000 người điều trị trong bệnh viện, hiện nay đã có tới 8.400 người đang điều trị; Australia đạt đỉnh dịch lần 1 vào 30-4 với 5.000 người điều trị trong bệnh viện, hiện nay là 6.700 người và dù chưa đạt đỉnh dịch làn sóng thứ hai nhưng đã cao hơn đỉnh dịch cũ gần 40%; Hồng Công ngày 9-4 đạt đỉnh dịch lần 1 với 700 người nhiễm, hiện nay là 1.500 người nhiễm, gấp đôi giai đoạn trước; Israel có số người điều trị cao gấp 4,5 lần so với đỉnh dịch cũ. Có thể thấy, làn sóng dịch thứ hai xảy ra đều vượt đỉnh dịch cũ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam đã bắt đầu vào làn sóng thứ hai. Làn sóng thứ nhất đã kết thúc và đạt đỉnh dịch vào ngày 30-3 với 178 người nhiễm. Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25-7 đến nay, với làn sóng thứ hai, cả nước đã có thêm nhiều trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận, số người nhiễm đã cao hơn đỉnh dịch lần 1. Đây là tình huống rất mới.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11-3 khi công bố dịch trên toàn thế giới có 3 thông số có tính tiêu chí: số quốc gia bị nhiễm trên toàn thế giới là trên 50%; dân số của các nước bị nhiễm chiếm 2/3 dân số thế giới; ở các nước nhiễm, bình quân 1 triệu người dân có 10 người nhiễm. Đối chiếu với Việt Nam, hiện có 37 tỉnh thành đã có người lây nhiễm, chiếm 58% (tức thuộc tiêu chí một quốc gia có dịch); dân số các địa phương có người nhiễm chiếm 26% dân số cả nước; Việt Nam có khoảng 2,7 người nhiễm/triệu dân, xa ngưỡng bình quân một 1 triệu người dân có 10 người nhiễm của thế giới khi WHO công bố dịch. Do đó, về tổng thể, Việt Nam chúng ta còn an toàn.
Tuy nhiên, từ đồ thị của đất nước, dự báo tới đây, trong khoảng ngày 23-8 đến 30-8 có nguy cơ rất cao. Nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt, sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/triệu dân, tức cả nước sẽ có khoảng 970 người phải điều trị trong bệnh viện (hiện nay chỉ trên 200 người). Nếu không làm quyết liệt, trong khoảng 1 tháng tới, Việt Nam sẽ vào diện quốc gia có dịch với các tiêu chí như công bố của WHO, do đó cần có những chủ trương hết sức quyết liệt.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề phải có mục tiêu kiềm chế như thế nào để hạn chế tình trạng gia tăng số người mắc. Bên cạnh đó, Hà Nội, TPHCM là 2 địa phương rất có nguy cơ. Từ ngày 1-7 đến 27-7 đã có 140.000 người từ Đà Nẵng bay về TPHCM, vì vậy cần có giải pháp đặc biệt cho Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM cũng như các tỉnh giáp ranh với Đà Nẵng là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk. Các địa phương này phải có biện pháp kiểm soát đặc biệt để không lây lan các ca nhiễm.
Riêng với Đà Nẵng, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, với dân số hơn 1 triệu người, hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 100 người nhiễm, tức là gấp 10 lần chỉ số một quốc gia có dịch mà WHO đã công bố. Do đó, cần xác định Đà Nẵng là một trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm, nhất là theo Bộ Y tế báo cáo, dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ ngày 5 đến 8-7, và từ ngày 16 đến 20-7. Tại Đà Nẵng, khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác đang ngoài cộng đồng. Việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn. “Một chu kỳ khoảng 2 tuần, tức là dịch đã diễn ra khoảng 2 tháng nên số bệnh nhân ở Đà Nẵng tăng vọt lên là do chúng ta xét nghiệm, thực tế có thể còn nhiều người nhiễm. Do đó, Đà Nẵng phải áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn dịch ở Đà Nẵng”, Bí thư Thành ủy TPHCM nêu quan điểm. Kinh nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy, khi dịch xảy ra ở mức cao nhất, lúc đầu họ yêu cầu mỗi gia đình, mỗi ngày chỉ được 1 người đi chợ, sau đó thì cấm ra khỏi nhà, kể cả đi chợ. Họ được giao nhu yếu phẩm tận nhà.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, năng lực điều trị của Đà Nẵng trong điều kiện bị cách ly cũng phải tính toán. Kinh nghiệm của TPHCM cứ 1 người nhiễm phải cách ly 280 người. Nếu áp dụng chỉ số này cho Đà Nẵng với 100 người nhiễm thì cần cách ly 28.000 người, từ cách ly ở gia đình, quận huyện đến cấp tỉnh thành. Rõ ràng, không thể có chỗ cách ly cho 28.000 người ở cấp quận huyện, thành phố. Do vậy phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn Đà Nẵng cách ly tại gia đình là cách ly người cần cách ly và toàn bộ gia đình, không đi lại nữa, như vậy mới ngăn chặn lây lan. Qua đó, chúng ta dự kiến năng lực điều trị của bệnh viện các cấp tại Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao bảo đảm cách ly tại nhà thực sự hiệu quả, giám sát lẫn nhau. Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch và chính quyền địa phương, mặt trận phải giám sát, pháo đài nào “trục trặc” là phải được nhắc nhở ngay.
Sau phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, ủng hộ TPHCM dừng một số dịch vụ không cần thiết như karaoke và hạn chế tụ tập đông người. Thủ tướng cho rằng chưa cần thiết giãn cách xã hội tại TPHCM.