Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Lãng phí tiềm năng sáng tạo là có lỗi”

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh lãng phí tiềm năng sáng tạo là chúng ta có lỗi với nhân dân, với Đảng. Do đó, từ kinh nghiệm của các nước mà TPHCM đã tham khảo, TPHCM cần xây dựng chính sách để mối quan hệ ba bên, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp hiệu quả hơn; từ đó phát huy tốt nhất tiềm năng sáng tạo của mỗi người.

Tối 6-6, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ Nhất (tổ chức 2 năm/lần).

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM. Cùng dự còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Lãng phí tiềm năng sáng tạo là có lỗi” ảnh 1 Các đồng chí lãnh đạo chúc mừng các tác giả đoạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM - năm 2019

Mở kế hoạch dài hơi cho cảm hứng sáng tạo

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin, năm nay là năm đầu tiên TPHCM tổ chức Giải thưởng Sáng tạo. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa để tiếp tục khẳng định tiềm năng sáng tạo, không ngừng đổi mới để phát triển của TPHCM.

Hoạt động này cũng nhằm biểu dương và tôn vinh các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài có các công trình, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. Thông qua đó, TPHCM mong muốn cổ vũ, khơi dậy tinh thần thi đua, văn hóa sáng tạo góp phần hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10.

Điểm lại quá trình phát triển của TPHCM sau 40 năm qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, TPHCM là nơi khởi nguồn của nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo. Truyền thống năng động, sáng tạo luôn là một nét đặc trưng và hiện diện trong mỗi người dân TPHCM.

Thực tiễn đã chứng minh, nhiều cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành ít nhiều đúc kết từ thực tiễn TPHCM. Chính đổi mới sáng tạo đã giúp TPHCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, đóng góp 24% GDP và 28% thu ngân sách dù diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, TPHCM chưa có giải thưởng đặc thù dành cho hoạt động này nên tháng 12-2018, TPHCM đã phát động giải thưởng sáng tạo.

Sau 5 tháng phát động, TPHCM đã nhận được trên 100 hồ sơ đăng ký tham dự và xác định 44 công trình, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo nổi bật. Tuy nhiên, kết quả có thể chưa phản ánh hết các hoạt động đổi mới sáng tạo vì tiềm năng sáng tạo của TPHCM còn rất lớn. Dù vậy, kết quả này sẽ là nền tảng để TPHCM đạt được những thành tích sáng tạo vinh quang hơn trong thời gian tới.

“Buổi lễ hôm nay không chỉ dừng lại ở việc tổng kết một mùa giải thưởng”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ và nhấn mạnh, điểm nhấn quan trọng là chúng ta đang cùng nhau nghĩ tới, mở ra những kế hoạch dài hơi để cổ vũ, khích lệ và truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài. TPHCM cũng cam kết tiếp tục tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đổi mới sáng tạo trở thành một xu hướng tất yếu của xã hội.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Lãng phí tiềm năng sáng tạo là có lỗi” ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao Giải thưởng Sáng tạo cho công trình thuộc lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao Giải thưởng Sáng tạo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mỗi dự án đều phải ứng dụng công nghệ mới nhất

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét, thời gian qua, TPHCM đã có các giải thưởng sáng tạo ở từng lĩnh vực, như sáng tạo khoa học công nghệ, giải thưởng văn học nghệ thuật, giải thưởng công nghệ thông tin…

Tuy nhiên, Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ TP diễn ra vào tháng 7-2018 đã xác định trong bối cảnh TPHCM còn thiếu nguồn lực về tài chính, nguồn lực về đất đai cũng hạn chế thì nguồn lực to lớn nhất có thể phát huy hiệu quả cao để phát triển, đó chính là con người TPHCM. Cũng vì thế, đối với TPHCM, sáng tạo trở thành một đòi hỏi cấp bách của giai đoạn hiện nay.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, sáng tạo có vai trò vô cùng quan trọng, vì đem đến tri thức mới, ứng dụng tri thức mới, phương pháp mới, tạo ra cuộc sống mới. Tuy nhiên, để có thể sáng tạo, trước hết phải có những người có mong muốn, có khát vọng sáng tạo; được đài tạo cơ bản, được bồi dưỡng về phương sáng tạo.

Cùng đó là sự hỗ trợ, cổ vũ cho sáng tạo cũng như các chính sách thúc đẩy sáng tạo, đảm bảo lợi ích cho người sáng tạo, cho đơn vị của người sáng tạo và cho cộng đồng, cho đất nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, 44 công trình được công nhận, trao giải thưởng là một phần công trình, tác giả đã cống hiến cho TPHCM trong suốt thời gian qua. Đây là những biểu tượng cho sự đóng góp của sáng tạo, làm cho năng suất lao động của TPHCM thường xuyên, cao gấp gần 3 lần cả nước. Nguồn gốc bên trong chính là năng suất lao động gấp gần 3 lần cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Lãng phí tiềm năng sáng tạo là có lỗi” ảnh 4 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao Giải thưởng Sáng tạo cho công trình thuộc lĩnh vực cơ bản - “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Việc công bố và trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần này chính là sự khẳng định và tuyên dương nỗ lực các tập thể, cá nhân trong nhiều năm qua, đem lại sự phát riển cho TPHCM. Cùng đó là sự kỳ vọng về sự phát triển sáng tạo cao hơn nữa, nhiều hơn nữa, được hỗ trợ hiệu quả hơn nữa từ TPHCM. Có như thế, năng suất lao động của TPHCM sẽ tiếp tục đạt mức cao hơn nữa.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, từ đây về sau, mỗi dự án, đề án mà TPHCM triển khai đều phải là dự án có ứng dụng công nghệ mới nhất trên lĩnh vực đó, đem lại sự phát triển lớn nhất cho TPHCM. Công nghệ mới nhất sẽ đến từ các nhà khoa học, đến từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đến từ sự lựa chọn công minh, công khai, bình đẳng của chính quyền TPHCM các cấp.

“Lãng phí tiềm năng sáng tạo là chúng ta có lỗi với nhân dân, với Đảng”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và yêu cầu, từ kinh nghiệm của các nước mà TPHCM đã tham khảo, TPHCM cần xây dựng chính sách để mối quan hệ ba bên, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp hiệu quả hơn; từ đó phát huy tốt nhất tiềm năng sáng tạo của mỗi người.

Ngoài ra, TPHCM chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng bộ TP thì cần đánh giá kết quả thời gian qua và xác định các giải pháp sáng tạo để TPHCM phát triển trong 5 năm, 10 năm tới.

 

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có công trình sáng tạo theo 7 nhóm lĩnh vực, gồm kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh (lĩnh vực 1); văn hóa - nghệ thuật (lĩnh vực 2); cải cách hành chính (lĩnh vực 3); truyền thông (lĩnh vực 4); xã hội (lĩnh vực 5); khởi nghiệp sáng tạo (lĩnh vực 6) và khoa học cơ bản (lĩnh vực 7). Từ 111 hồ sơ tham gia, Hội đồng tuyển chọn 44 công trình, trong đó có 4 giải Nhất, 15 giải Nhì và 25 giải Ba.

Các công trình đoạt giải Nhất gồm:

1. Công trình: “Quy trình báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch”, của các tác giả: ThS-BS Đào Trung Hiếu, PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng; TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, ThS-BS Đỗ Văn Niệm, đều thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1. Công trình thuộc lĩnh vực (kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh). 

2. Vở diễn “Dấu xưa”, của ông Nguyễn Thanh Bình và đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, do Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ dựng. Công trình thuộc lĩnh vực 2 (văn hóa - nghệ thuật).

3. Công trình: “Keo thông minh trong điều trị lành thương”, của TS Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Công trình thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản).

4. Công trình: “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam”. Tác giả là PGS-TS Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Công trình cũng thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản). 


Sau đây là chia sẻ của các tác giả, đại diện tác giả đạt giải Nhất, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM:

* PGS-TS PHẠM VĂN HÙNGTrường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM: Tiền đề quan trọng cho hoạt đng đổi mới sáng tạo

Kết quả nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất 2 loại sản phẩm có tính mới trong nước và quốc tế. Từ đó, chúng tôi sản xuất ra được thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường với giá thành thấp. Các nghiên cứu này cũng là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng dùng phòng chống các bệnh mãn tính.

Việc công nhận, trao giải thưởng sáng tạo có ý nghĩa rất lớn đối với nhà khoa học, vì thể hiện sự ghi nhận công sức, cống hiến của các tập thể, cá nhân đối với thành phố.

Vì thế, tôi tin rằng, các công trình nghiên cứu cơ bản sẽ là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo cũng như tiền đề cho các hoạt động đổi mới sáng tạo của TPHCM. Tôi cũng mong các công trình đạt giải sẽ tiếp tục được đầu tư nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm cụ thể, nhằm biến những ý tưởng của các nhà khoa học thành hiện thực và góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng.

* TS NGUYỄN THỊ HIỆPTrường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM: Động lực giúp nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Lãng phí tiềm năng sáng tạo là có lỗi” ảnh 5 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao Giải thưởng Sáng tạo cho công trình thuộc lĩnh vực cơ bản - “Keo thông minh trong điều trị lành thương”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Keo thông minh có thể “dán” vết thương, làm lành nhanh vết thương trong vòng một phút. Phương pháp này mang tới cơ hội trị thương nhanh chóng cho những người dân ở xa bệnh viện. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương" được trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM.

Kết quả này là động lực giúp tôi cùng cộng sự tiếp tục phát triển loại keo này để tiêm khớp gối, hoặc tải tế bào gốc, tái tạo mô cho những bệnh nhân ung thư; kết hợp với các đơn vị để đưa ra thị trường sản phẩm keo thông minh trị lành thương hoàn toàn của người Việt Nam. Đây cũng là động lực giúp các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nói riêng và sáng tạo ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nói chung.

* TS-BS NGÔ NGỌC QUANG MINHPhó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM: Lan tỏa giải pháp cứu người bệnh

Đây không chỉ là phần thưởng mà quan trọng là qua giải thưởng, công trình tiếp tục lan tỏa, được nhiều bệnh viện, nhiều người biết tới giải pháp hữu hiệu cho những trường hợp nguy kịch cần phối hợp của nhiều chuyên khoa. Thông qua Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, chúng tôi mong muốn quy trình báo động đỏ tiếp tục được nhiều bệnh viện trong cả nước áp dụng, mang tới cơ hội cứu sống các bệnh nhân nguy kịch.

Từ năm 2016, quy trình báo động đỏ nội viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 được Sở Y tế nhân rộng trên toàn TPHCM, thành báo động đỏ liên viện. Cũng từ năm 2016, Bộ Y tế bổ sung quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện vào bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (tiêu chí A1.4), xem đây là một trong những tiêu chí chất lượng bắt buộc trong cấp cứu người bệnh mà các bệnh viện trong cả nước cần phải đạt được.

* NSƯT TRẦN MINH NGỌCĐạo diễn vở kịch "Dấu xưa": Tiếp thêm sức mạnh hành trình sáng tạo

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Lãng phí tiềm năng sáng tạo là có lỗi” ảnh 6 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Giải thưởng Sáng tạo cho công trình thuộc lĩnh vực 2 - Vở diễn "Dấu xưa". Ảnh: VIỆT DŨNG
Chúng tôi cảm nhận rõ, khi làm điều gì thật nghiêm túc, xuất phát từ ý định tốt đẹp và làm bằng cả sự nỗ lực phấn đấu, thì được sự ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng của xã hội.

Vở kịch này đã được lưu diễn mấy chục lần, phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, các trường học. Đó là thành công bước đầu. Vở kịch giúp khán giả liên tưởng đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội hiện nay. Đặc biệt, hình ảnh Bác Hồ trong vở kịch rất gần gũi, dung dị, khơi gợi thật nhiều tình cảm, lòng kính yêu Bác Hồ trong người xem.

Đó cũng là dấu ấn của vở kịch, có được dấu ấn ở chính người xem khi thái độ xem, cách thưởng thức tác phẩm đều rất trân trọng, trọn vẹn. Sự ghi nhận của Giải thưởng Sáng tạo TPHCM còn tiếp thêm sức mạnh cho anh em nghệ sĩ chúng tôi trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.

Tin cùng chuyên mục