Sáng nay 22-1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, trong năm qua, ngành Nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Qua đó, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng”.
Bên cạnh đó, ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu với Ban Chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ. Riêng 87 vụ án, 78 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 47 vụ/634 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20 đến 30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm.
Trong năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017), đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần năm lần so với năm 2017), nhất là đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn II); vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Trần Phương Bình; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án Hứa Thị Phấn. Qua đó, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN.
Tham luận tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng, trong đấu tranh PCTN thì việc thu hồi tài sản là việc rất quan trọng: “Nếu không thu hồi được tài sản chứng tỏ công tác PCTN chưa đạt được yêu cầu và hiệu quả”. Tuy nhiên, nếu thu hồi tài sản tham nhũng theo quy trình thông thường như hiện nay thì sẽ kéo dài. Trong khi đó, có những vụ tài sản tham nhũng lớn, nếu chậm trong thu hồi thì sẽ gặp khó khăn. Do đó phải tiến hành thu hồi sớm tài sản trong các vụ án tham nhũng, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài để chống trốn chạy, tẩu tán.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian qua tại TPHCM có nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Do đó, TPHCM đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng. Từ thực tế giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài. Điển hình như vụ Chợ An Đông, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có phần lỗi của các cơ quan quản lý.
“Chúng ta có những cái sai, cái yếu kém nhưng không nhận, hoặc nhận không đầy đủ, dẫn đến bà con không chịu. Bên cạnh đó cũng có một số đối tượng lợi dụng để kích động” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. |
Về vụ Thủ Thiêm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khiếu kiện đã kéo dài từ rất lâu. Vừa qua thanh tra Chính phủ đã có kết luận, qua đó thấy rằng, các cơ quan quản lý cũng có những sai sót.
“Bài học lớn đặt ra khi giải quyết vụ việc này là nếu có sai sót thì chúng ta phải nhận” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. |
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm và sớm công bố phần kết luận còn lại về Thủ Thiêm. “Vừa qua mới chỉ công bố những vấn đề liên quan đến dân, còn vấn đề liên quan đến “trách nhiệm chung” thì chưa thấy công bố. TPHCM rất chờ đợi điều này.” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Đề cập đến công tác PCTN ở TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bên cạnh những giải pháp chung, TPHCM đã thực hiện Quy định 1374, trong đó quy định các cấp ủy, chính quyền phải tiếp thu ý kiến của nhân dân phản ánh về những nguy cơ gắn với cán bộ, công chức có sai phạm.
Theo đó, khi có tin báo thì cấp ủy phải chỉ đạo cho chính quyền liên quan xử lý, xử lý xong thì phải báo cáo cấp ủy có thời hạn. Năm qua, hệ thống Đảng và chính quyền, mặt trân các cấp đã tiếp nhận hơn 3.400 tin báo có nguy cơ sai phạm trong cán bộ, công chức và sự việc xảy ra. Qua đó hơn 3.000 tin đã được xử lý.
“Qua xử lý có 2 kết quả quan trọng. Một là, các cấp ủy quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, ý kiến của báo chí, ý kiến của giám sát, tiếp xúc cử tri. Hai là buộc phải làm, không vui, nhưng phải kỷ luật 97 đảng viên từ khiển trách đến khai trừ; về chính quyền đã xử lý 142 cán bộ công chức từ khiển trách cho đến buộc thôi việc.” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết. |
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, kết quả giám sát, chương trình giám sát của HĐND các cấp có vai trò quan trọng để PCTN. Tuy nhiên, các chương trình kiểm tra, chương trình thanh tra, chương trình giám sát không được đồng bộ, lực lượng ít nên không phối hợp để thực hiện tốt.
Qua tiếp dân của các cấp, TPHCM nhận 8.000 kiến nghị về các vụ việc giải quyết, riêng hệ thống kiểm tra Đảng tiến hành 4.000 cuộc kiểm tra, giám sát. Ngoài ra còn có hệ thống thanh tra các cấp.
“Vấn đề đặt ra, đối chiếu 8.000 vụ việc yêu cầu giải quyết, với hàng nghìn cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát thì đồng bộ, trọng tâm đến đâu? Có trùng lắp không? Có trùng lắp! Có sót không? Có sót. Giải quyết đến nơi đến chốn chưa? Có cái đến nơi đến chốn, có cái chưa” – Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.