Tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã đi sâu vào các con hẻm ngoằn ngoèo để kiểm tra hệ thống cống thoát nước. Báo cáo nhanh với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tại hiện trường, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết, hệ thống cống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh được đầu tư từ năm 2008 và nằm trên khu vực có nền đất yếu. Hiện mặt đường ở đây bị lún, trũng cục bộ, có nơi dưới 1m so với đỉnh triều cường 1,68m, nên thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa hay triều cường. Cơ quan chức năng đã nhiều lần sửa chữa các vị trí cống xuống cấp và thường xuyên nạo vét lòng cống nhưng tình trạng ngập vẫn xảy ra. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đang chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu cảnh để giải quyết căn cơ tình trạng ngập cho tuyến đường này. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập tại đây. Về tiến độ dự án cống kiểm soát triều (dự án 10.000 tỷ đồng), Tổng giám đốc Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến cho biết, dự án được khởi công từ tháng 6 - 2016 với các hạng mục xây dựng gồm 8 cống kiểm soát triều, 7,8km đê kè và nhiều hạng mục phụ trợ, điều hành khác. Mục tiêu của dự án là điều tiết nguồn nước do triều cường và mưa lớn, giúp giảm ngập đô thị trên diện tích 570ha với 5,6 triệu dân sinh sống thuộc nhiều quận, huyện. Hiện tại, dự án đã triển khai xây dựng đồng loạt các cống kiểm soát triều đạt 38% khối lượng công trình. Trong quá trình thi công, tất cả các khâu đều đảm bảo an toàn, chất lượng. Điều băn khoăn hiện nay là diện tích đất của hơn 335 hộ dân và 20 tổ chức, doanh nghiệp chưa được đền bù và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Cụ thể, hạng mục cống kiểm soát triều Tân Thuận vướng 2 doanh nghiệp chưa di dời; cống Phú Xuân vướng 14 hộ dân và 2 doanh nghiệp; cống Mương Chuối vướng 99 hộ; cống Cây Khô vướng 95 hộ; cống Phú Định vướng 16 hộ và 1 tổ chức; đê kè, cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm vướng 198 hộ và 12 doanh nghiệp. Đơn vị thi công cam kết dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào 30-4-2018 nếu TP bàn giao mặt bằng kịp theo tiến độ thi công dự án. Chủ đầu tư cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương dịch chuyển tuyến đê kè nhằm hạn chế tối đa việc đền bù giải phóng mặt bằng, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Một góc công trình thi công Mương Chuối thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”. Ảnh: CAO THĂNG
Tại buổi làm việc, hầu hết ý kiến các quận huyện liên quan đều kiến nghị TP sớm phê duyệt đơn giá đền bù và chủ đầu tư tạm ứng tiền để chi trả cho người dân; cho phép điều chỉnh ranh giới đê kè để hạn chế mức bồi thường giải phóng mặt bằng. Về đơn giá đền bù, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương trình phương án giá trong vòng 10 ngày để TP duyệt. Đối với việc điều chỉnh ranh giới đê kè, đồng chí Lê Văn Khoa cho rằng, cái được của việc điều chỉnh là giảm đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, điều chỉnh như vậy cần phải xem xét các yếu tố tác động liên quan như dòng chảy có ảnh hưởng không, môi trường có bị tác động gì… Vì vậy, TP đang chờ hội đồng khoa học đánh giá lại toàn bộ. Nếu không có trở ngại, TP sẽ duyệt. Đồng chí Lê Văn Khoa cũng yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, sau khi dự án đưa vào hoạt động, phải đảm bảo đồng bộ hệ thống thu gom nước, phát huy hiệu quả của dự án.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đây là công trình quan trọng nên mọi vấn đề liên quan đến dự án cần phải tuyệt đối đảm bảo an toàn. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TP phải phối hợp với các bộ ngành liên quan kiểm tra, thẩm định thật kỹ khi điều chỉnh ranh đê kè. Đối với hệ thống máy bơm, cần lắp đặt sớm để đồng bộ với hệ thống các cống ngăn triều; các công đoạn khác liên quan đến dự án này cũng phải đồng bộ.