Tham dự có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM…
Thảo luận về vấn đề thiết thực phát triển TPHCM
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, trong nhiều năm qua, TPHCM luôn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. TPHCM là nơi tạo ra 24% GDP, khoảng 28% tổng thu ngân sách, 18% quy mô sản xuất công nghiệp, 16% tổng kim ngạch xuất khẩu so với cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TPHCM đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững.
Do đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển nhằm đảm bảo cho thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
TPHCM cũng xây dựng chương trình phát triển AI nhằm ứng dụng AI vào việc thực hiện nhanh các trụ cột của đô thị thông minh. Cùng với đó, việc xây dựng đô thị thông minh và sáng tạo sẽ tạo nên thị trường lớn, sân chơi lớn cho các doanh nghiệp CNTT có động lực phát triển, nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghiệp tiên tiến. Đồng thời, cũng là một “làn gió mới” thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, ngày hội doanh nghiệp CNTT và AI là cơ hội để lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề thiết thực cần thực hiện cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, giải thưởng CNTT - TT là sân chơi bổ ích, để kịp thời vinh danh và ghi nhận các sản phẩm, dịch vụ CNTT tiêu biểu đạt giải thưởng và các đóng góp cho sự nghiệp phát triển CNTT của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn. Đặc biệt, việc tổ chức giải thưởng nhằm tạo động lực phấn đấu, phát triển không ngừng cho các bạn sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đào tạo nhân lực CNTT-TT trình độ quốc tế
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng các đơn vị, cá nhân làm việc trong lĩnh vực CNTT-TT. Đồng thời bày tỏ, sự kiện mở đầu cho giai đoạn mới, phát triển ứng dụng CNTT-TT trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM là địa phương đi đầu, rất sớm trong cả nước về phát triển CNTT. Cách đây 20 năm, TPHCM đã đề xuất Trung ương xem CNTT là một lĩnh vực cần ưu tiên phát triển đột phá, lựa chọn theo hướng tập trung phát triển phần mềm trước. Sau đó, Công viên phần mềm Quang Trung được hình thành, từng bước phát triển. Đây là quyết định đúng đắn.
Như vậy, tính trên diện tích 43 ha của Công viên phần mềm Quang Trung, nơi này có số người làm việc, học tập về lĩnh vực CNTT với mật độ cao nhất cả nước. Dự kiến đến cuối năm 2019, nơi đây tạo ra doanh số khoảng 511 triệu USD, trong đó xuất khẩu hơn 400 triệu USD. Đây cũng là cái “nôi” hình thành các ý tưởng sáng tạo, thu hút các nhân tài và cùng TPHCM phát triển. Bên cạnh đó, TPHCM là địa phương tiên phong nghiên cứu sản xuất vi mạch.
Sau Công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia TPHCM cũng xây dựng Khu công viên phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM. Mặt khác, TPHCM cũng bàn, sử dụng khu đất trên đường Trương Định để đầu tư, xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TPHCM, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Theo thống kê, 70% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc lĩnh vực CNTT-TT”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng và bày tỏ, đây là hoạt động mới. Song, các doanh nghiệp đến TPHCM phát triển CNTT là đúng chỗ.
Tiếp tục đề cập đến vai trò của ngành CNTT, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, toàn thành phố có khoảng 100.000 lao động (chiếm khoảng 2,2% lao động toàn thành phố) làm việc trong 5.600 doanh nghiệp CNTT (chiếm 1,4% doanh nghiệp toàn thành phố). Tuy nhiên, năng suất lao động của CNTT-TT hiện gấp gần 2 lần năng suất chung của toàn thành phố. Hiện nay, CNTT-TT đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa thành phố là 4,44%, gần trở thành ngành kinh tế chủ lực (từ 5% trở lên - PV).
“Việc phát triển doanh nghiệp CNTT là cực kỳ có ý nghĩa”, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét và đặt hàng đối với UBND TPHCM thực hiện các giải pháp gia tăng số lượng doanh nghiệp CNTT-TT thật nhanh trong thời gian tới. Trường hợp, số lượng doanh nghiệp CNTT gia tăng, thu hút số lao động làm việc gấp đôi hiện nay thì sẽ đóng góp được gần 10% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TPHCM định hướng tập trung đào tạo nhân lực CNTT-TT (cùng với 6 ngành khác) trình độ quốc tế. Đồng thời bày tỏ, TPHCM xác định sự đóng góp quan trọng của các ngành gắn với khoa học - công nghệ đối với kinh tế thành phố và hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Nơi đây sẽ có khu vực rộng khoảng 200ha để thử nghiệm các công nghệ mới chưa được lưu hình chính thức.
Ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng CNTT
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu chia sẻ về các giải pháp phát triển doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT, đánh giá ngành CNTT trên địa bàn thành phố phát triển nhanh và sử dụng lực lượng lao động có trình độ cao hơn các ngành khác. Thế nhưng, điện tử - CNTT vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong kinh tế thành phố. Ngoài ra, năng suất lao động của nhân lực CNTT của thành phố vẫn chưa cao, do hạn chế về kỹ năng mềm và ngoại ngữ; chưa nhận diện rõ được các sản phẩm chủ lực CNTT đại diện cho ngành trên địa bàn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM Phí Anh Tuấn kiến nghị TPHCM, đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Qua đó có chính sách tăng ưu đãi cho DN đầu tư ứng dụng CNTT, đặc biệt khi sử dụng sản phẩm giải pháp trong nước. Đồng thời, xây dựng chính sách tốt cho thị trường ứng dụng CNTT trong Nhà nước như có chính sách mở thị trường công, tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ tham gia.
Chia sẻ thêm với các đại biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nội dung thảo luận của các đại biểu, đồng thời đề nghị UBND TPHCM xem xét thành lập hội đồng phát triển CNTT-TT thành phố. Hội đồng này gồm đại diện Nhà nước (có thể là Sở TT-TT cùng một số sở khác), đại diện một số trường đại học, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực.
“Trong báo cáo chính trị cho nhiệm kỳ tới, chúng tôi xác định công thức để phát triển ngành, phát triển doanh nghiệp là thành lập hội đồng phát triển các ngành kinh tế”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ và thông tin, đây cũng là bài học kinh nghiệm, được áp dụng thành công tại Hà Lan.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị thực hiện các giải pháp để phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp mới trong lĩnh vực CNTT-TT, để đưa ngành này trở thành ngành kinh tế chủ lực của thành phố. Bên cạnh đó, UBND TP cần sớm thực hiện đề án phát triển nhân lực CNTT-TT chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế.
Ngoài ra, thí điểm mô hình tổ chức đấu thầu theo nhóm, bao gồm cả doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là mô hình doanh nghiệp lớn dẫn dắt, mà kinh nghiệm ở Singapore vận dụng rất hiệu quả.
Dịp này, UBND TPHCM trao giải thưởng CNTT-TT năm 2019 (lần thứ 11) cho 23 cá nhân, tổ chức, vào 6 nhóm (DN có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu; DN có sản phẩm phần cứng tiêu biểu; DN cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; Đơn vị có ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu; Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT thành phố và Nhóm sinh viên ngành CNTT-TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc). Trong đó, ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM được trao giải Cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT thành phố. Chủ tịch UBNDTPHCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển CNTT của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG Trong khuôn khổ chương trình, trưa ngày 28-12, Hội đồng quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức hội thảo hợp tác, thu hút đầu tư vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Chuỗi này ban đầu có 2 thành viên: QTSC, Khu Công viên Phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (VNU - ITP). HueCIT là đơn vị thứ ba được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho gia nhập. Dự kiến, năm 2020 khu Công viên phần mềm Mekong (Mekong ITP) sẽ trở thành thành viên thứ 4 của chuỗi. Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí lãnh đạo TPHCM chúc mừng HueCIT được kết nạp tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: VIỆT DŨNG Dịp này, QTSC ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai và quản lý khu CNTT tập trung. Đây là tài liệu đúc kết thực tiễn hoạt động của QTSC, kết hợp với các khái niệm học thuật, chuyên môn nhằm từng bước chuẩn hóa các nội dung theo xu hướng quản trị khu công nghệ chung của quốc tế. Khi hình thành, tài liệu còn được chia sẻ, hướng dẫn và chuyển giao cho các đơn vị có định hướng xây dựng khu công nghệ tại các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. |