Sáng 7-9, Sở Du lịch tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch thông minh tại TPHCM”, nhằm cải tiến công tác quản lý giúp gia tăng trải nghiệm của du khách cũng như tạo nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch tại TPHCM.
Tại hội thảo, GS Perry Hubson, Đại học Sunway Malaysia, Tổng Biên tập Tạp chí Journal of Vacation Marketing, cho rằng sự xuất hiện của du lịch 4.0 và phát triển công nghệ thông minh sẽ tạo điều kiện cho các thành phố trở thành các khu đô thị thông minh. Từ đó, các điểm đến và doanh nghiệp du lịch sẽ được hưởng lợi, nhưng chúng phải được tích hợp trong bối cảnh phát triển rộng hơn và tạo ra các thành phố thông minh. Vì vậy, GS Perry Hubson nhấn mạnh đến yêu cầu quan trọng của việc xây dựng, chia sẻ dữ liệu về du lịch trong phát triển du lịch thông minh.
Bày tỏ đồng tình, GS Rodolfo Baggio, Đại học Bocconi (Italia) cho rằng, việc sử dụng các công nghệ du lịch thông minh ngày càng phát triển. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu thông minh về các điểm đến hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm tốt cho du khách. Tuy nhiên, kết quả chỉ đạt được khi có cách thức sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu trên. Về giải pháp, bên cạnh việc dựa trên công nghệ với các ứng dụng công nghệ hiện đại, GS Rodolfo Baggio còn lưu ý đến việc xây dựng quy trình vận hành, tổ chức hợp lý và đội ngũ nhân lực đủ sức khai thác, vận hành nguồn dữ liệu dùng chung trên.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ thống dữ liệu cùng cách thức khai thác hiệu quả sẽ giúp du khách dễ dàng đến được những nơi thú vị, hấp dẫn. Trong đó, TPHCM cần nhận diện rõ được những lợi thế hấp dẫn của mình như văn hóa phong phú, thức ăn ngon và đa dạng…
Các đại biểu cũng khuyến nghị TPHCM cần có cơ chế vận hành hiệu quả, để kích thích giới trẻ xây dựng cách thức sử dụng, vận hành mô hình mới phục vụ du lịch thông minh.
Ở một khía cạnh khác, ông Luigi Campanale, Giám đốc SCE Project Asia - Italia, nhấn mạnh đến việc khai thác những công trình cổ có giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp với công nghệ cao, đưa ra sản phẩm du lịch thông minh và bền vững. Cụ thể, các công trình văn hóa, lịch sử sẽ tạo sự hứng thú cho du khách tham quan, từ đó sẽ kích thích du khách chi tiêu để khám phá.
“Du khách có xu hướng chi tiêu mà không tính toán cho việc trải nghiệm, khám phá các công trình có giá trị văn hóa mới lạ với họ”, ông Luigi Campanale chia sẻ kinh nghiệm.
Cụ thể, ông Luigi Campanale nhấn mạnh đến vị trí thuận lợi của Dinh Gia Long (hiện là Bảo tàng TPHCM, ở quận 1, TPHCM) và gợi ý về sự kết hợp để tạo thành một sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị tại TPHCM”.
Như vậy, khái niệm du lịch thông minh cũng cần được hiểu rằng, bất cứ tòa nhà mang giá trị lịch sử, văn hóa và tạo sự liên kết với các khu chức năng xung quanh, để cung cấp thêm sự trải nghiệm cho du khách. Nếu không thực hiện được thì việc phát triển du lịch thông thường đã rất khó, chứ đừng nói đến du lịch thông minh. “Du lịch thông minh đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa thế giới ảo với thực là hạ tầng, điểm đến hấp dẫn”, ông Luigi Campanale khuyến nghị.
Du lịch phát triển, người dân phải có lợi
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhận xét ngành du lịch TPHCM phát triển sẽ giúp du lịch cả vùng phát triển, góp phần phát triển du lịch cho đất nước.
Hiện nay, số lượng du khách quốc tế đến TPHCM chiếm gần 50% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong 10 năm tới, TPHCM coi du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, gắn với tài nguyên mà thành phố sở hữu đặc thù, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đánh giá cao đóng góp của các chuyên gia du lịch quốc tế và cho rằng cần duy trì kết nối với các chuyên gia nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Chia sẻ thêm về kế hoạch xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đồng chí cho biết, TPHCM đang tập trung xây dựng đô thị thông tin, gồm các công việc như xây dựng chính quyền điện tử, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội, trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm an toàn thông tin. “TPHCM triển khai du lịch thông minh là dựa trên nền tảng chiến lược du lịch và đề án đô thị thông minh”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND TPHCM sớm hoàn thành chiến lược phát triển du lịch TPHCM. Trong chiến lược phải nhấn mạnh đến hai yếu tố. Đó là du lịch TPHCM phải gắn liền với du lịch của vùng ĐBSCL và du lịch thông minh. Lưu ý thêm, đồng chí cho rằng trong chiến lược phải nêu được các bài học kinh nghiệm phát triển cũng như những trường hợp thất bại trong phát triển du lịch ở các nước; làm rõ vai trò của chính quyền, doanh nghiệp trong hợp tác phát triển du lịch.
Ngoài ra, du lịch thông minh phải đảm bảo được sự kết nối thông minh, tính cơ động của người dân; huy động sáng kiến của doanh nghiệp để phát triển du lịch thông minh, có phương thức kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu khách hàng trên tinh thần cùng hưởng lợi.
“Du lịch phát triển không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi mà người dân phải hưởng lợi”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý và cho rằng, khai thác du lịch quá mức, gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với người dân địa phương nên có thể sẽ gặp phản đối.
Dẫn chứng thêm thực tế tại Hà Lan, đồng chí cho biết nơi đây đã xác định “ngưỡng giới hạn” đón khách, tránh gây những tác động tiêu cực. Do đó, trong kế hoạch phát triển du lịch thông minh cũng như chiến lược phát triển du lịch của TPHCM thì phải quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương khi du lịch phát triển. Việc này nhằm đảm bảo, khi khách du lịch đến nhiều, người dân sẽ không cảm thấy bị quấy rầy mà ngược lại việc lắng nghe ý kiến người dân, thiết kế mô hình để người dân cùng tham gia và hưởng lợi từ việc phát triển du lịch.
Đồng chí TRẦN VĨNH TUYẾN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Tăng tiện ích, nâng cao trải nghiệm cho du khách Ngành du lịch TPHCM những năm gần đây có nhiều bước phát triển nhanh chóng, có mức tăng trưởng bình quân đạt 11-12%/năm. Tuy nhiên, ngành du lịch ở những nơi phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh có mức tăng trưởng cao, như Tokyo (Nhật Bản) tăng trưởng 30%/năm; Seoul tăng trưởng trên 15%/năm… Có thể thấy kinh tế số và kinh tế chia sẻ đang có những tác động lớn đến ngành du lịch. Do đó, du lịch của TPHCM không thể đứng ngoài xu hướng của du lịch thông minh, điểm đến của TPHCM sẽ lạc hậu. Việc lựa chọn mô hình, giải pháp phù hợp phát triển du lịch thông minh tại TPHCM nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách và tăng tính tiện ích cho du khách khi đến TPHCM. |