Chiều 22-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia và Viện Tự cường Quốc gia Indonesia (NRI) để trao đổi, tìm hiểu tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế của Indonesia; trao đổi các giải pháp tăng cường, khai thác cơ hội hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới.
Tham gia cùng đoàn còn có Đại sứ Phạm Vinh Quang, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.
Hợp tác giải quyết các vấn đề cùng quan tâm
Tại buổi làm việc với ông Bambang Brodjonegoro, Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TPHCM đang đối mặt với một số thách thức như cơ sở hạ tầng quá tải, dân số TPHCM cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người (hiện khoảng 13 triệu người), kẹt xe, ô nhiễm môi trường; ngập lụt đô thị, nước biển dâng và sụt lún mặt đất (khoảng 1cm/năm). Do đó, TPHCM rất quan tâm đến kế hoạch quản lý nước bền vững, cung cấp nước sạch cho người dân để hạn chế khai thác nước ngầm. Trong lĩnh vực này, TPHCM đang kêu gọi các đối tác nước ngoài hợp tác với TPHCM nghiên cứu tình trạng cấp nước của TPHCM và chuyển giao công nghệ xử lý nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế của Indonesia (making Indonesia 4.0, chính sách phát triển nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, kinh nghiệm phát triển start-up, SMEs); tìm hiểu cách thức, khó khăn, lợi thế của Indonesia trong việc hoạch định chiến lược quốc gia. Đặc biệt là việc khai thác cơ hội hợp tác giữa 2 bên.
Tại buổi làm việc, ông Bambang Brodjonegoro chia sẻ ông đã từng đến Việt Nam; đồng thời nhận xét giữa TPHCM và Jakarta có sự tương đồng về một số thách thức đang đối diện như giao thông, ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Ông Bambang Brodjonegoro thông tin, vùng Jakarta đóng góp hơn 20% đối với kinh tế cả nước. Song, vùng đang đối diện với một số vấn đề, trong đó có ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, với thiệt khoảng 6 tỷ USD. Do đó, Indonesia xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho vùng Jakarta, tập trung vào việc sẵn sàng ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối giao thông công cộng; phát triển đô thị thông minh (dựa trên kinh tế số, kinh tế chia sẻ, xây dựng hệ thống mạng xã hội), công nghệ mới (blockchain, trí tuệ nhân tạo).
Thống nhất về việc giữa các thành phố lớn của Việt Nam và Indonosia đang gặp nhiều vấn đề tương đồng, ông Bambang Permadi Soemantri Brodjonegoro đồng tình với đề xuất của Bí thư Thành ủy TPHCM về việc thành lập khối liên minh phát triển đô thị là rất thiết thực. Liên minh bắt đầu từ Indonesia, Việt Nam, Philippines là rất thiết thực, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực giao thông, giải quyết ngập lụt và giải quyết các vấn đề về môi trường.
Cũng tại buổi làm việc, phía TPHCM và Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia cùng thống nhất, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của hai bên tiếp tục trao đổi, hợp tác cụ thể hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề mà cả hai cùng quan tâm, nhất là những thách thức về nước biển dâng, giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực cũng như xây dựng các chiến lược trong phát triển kinh tế, hỗ trợ và tạo không gian khởi nghiệp sáng tạo…
Thành lập mạng lưới ứng phó biến đổi khí hậu
Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM làm việc với Viện Tự cường quốc gia Indonesia (The National Resilience Institute - NRI) trao đổi tình hình quan hệ Việt Nam - Indonesia, các giải pháp tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới; thảo luận các thách thức mà Việt Nam và Indonesia đang phải đối mặt và các giải pháp khắc phục…
NRI là cơ quan nghiên cứu và tham mưu chính sách hàng đầu của Indonesia, đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng thống. NRI thực hiện công tác nghiên cứu chính sách và đào tạo cán bộ trong các cơ quan chính phủ, tập trung vào lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng trước quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia tiếp tục phát triển sâu rộng.
Theo đồng chí, Indonesia có vị trí địa lý chiến lược, vị thế và uy tín quốc tế cao, cả ở tầm khu vực và toàn cầu. Hiện nay, Indonesia tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong các hoạt động hợp tác của ASEAN. Những thành tựu này có được là nhờ các cơ quan nghiên cứu, tham mưu chính sách, trong đó có NRI.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng dẫn chứng đánh giá của các chuyên gia, tổ chức trên thế giới về việc khoảng 4.000 đô thị lớn ven biển (dân số trên 150.000 người) trên khắp thế giới đang bị đe dọa bởi nước biển dâng.
Trong số 10 thành phố nguy cấp nhất thì Đông Nam Á có 4 đại diện, gồm: Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), TPHCM (Việt Nam) và Bangkok (Thái Lan). Vì vậy, đồng chí đề xuất sáng kiến thành lập một mạng lưới các thành phố Đông Nam Á ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc này nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong giải quyết các thách thức do đô thị hóa và biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời mở rộng nội dung hợp tác sang các lĩnh vực khác như sáng tạo, khởi nghiệp và đô thị thông minh.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận xét, sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và sự phối hợp trên các diễn đàn khu vực, quốc tế là nền tảng quan trọng để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; đồng thời góp phần tạo dựng môi trường an ninh thuận lợi, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của hai nước ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Kêu gọi doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào TPHCMChiều tối cùng ngày, tại thủ đô Jakarta (Indonesia), UBND TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào TPHCM. Hội nghị thu hút hơn 100 doanh nghiệp Indonesia và Việt Nam tham gia. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các doanh nghiệp Indonesia. Ảnh: KIỀU PHONG Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan chia sẻ, nhiều năm nay, Indonesia luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở ASEAN. Hiện Indonesia có 39 dự án đầu tư tại TPHCM, với tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD (đứng thứ 34/106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TPHCM). Con số này còn rất khiêm tốn. Đồng chí tin rằng, với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và thiện chí của Việt Nam và Indonesia, quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước, trong đó có TPHCM sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM hiện là đầu tàu kinh tế của cả nước. TPHCM luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có Indonesia. Năm 2018, TPHCM thu hút thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 22% tổng FDI của cả nước. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng giới thiệu tóm tắt một số định hướng phát triển của TPHCM như tập trung xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực… TPHCM rất coi trọng việc tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa với các đối tác nước ngoài, trong đó có Indonesia. Thông qua sự kiện hôm nay, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan kỳ vọng về sự hợp tác giữa TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp Indonesia sẽ gia tăng cả về chất lượng và số lượng trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cam kết tiếp tục bảo đảm môi trường xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Indonesia hoạt động đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài và hiệu quả. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM Trần Anh Tuấn giới thiệu tóm tắt về các hình thức đầu tư vào TPHCM, đặc biệt nhấn mạnh đến danh mục 210 dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế… mà TPHCM đang tập trung kêu gọi đầu tư. |