- PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, những kết quả nổi bật của TPHCM trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 được thể hiện ở những mặt nào?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã nêu rất đầy đủ, khoa học và hệ thống. Trong đó có nhận định: TPHCM đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. 11/14 chỉ tiêu Đại hội X Đảng bộ TPHCM hoàn thành, trong đó 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả có ý nghĩa. Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM và Ban Thường vụ đoàn kết, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện đúng Quy chế làm việc, có tính chiến đấu, chịu trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân thành phố, có nhiều nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo để tạo cơ chế và mô hình mới phát triển thành phố, vì cả nước, cùng cả nước.
Tôi xin phép nhấn mạnh 4 kết quả tiêu biểu như sau:
1. Khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất và là đầu tàu kinh tế cả nước.
5 năm qua, thành phố đã khẳng định được vị trí này, thể hiện rõ nhất qua 4 tiêu chí: năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào kinh tế của cả nước và đóng góp vào ngân sách cả nước.
Năng suất lao động thành phố tiếp tục giữ vững cao nhất cả nước - gấp 2,6 lần năng suất bình quân cả nước. Nhờ đó, tuy lao động thành phố chỉ chiếm hơn 8,6% lao động của cả nước, diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng TPHCM đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước và tăng trưởng kinh tế bình quân 2016-2019 là 7,7%/năm.
Nhờ kinh tế phát triển với quy mô, tốc độ như vậy, TPHCM luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, với tỷ trọng khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia.
TPHCM cũng là trung tâm công nghiệp lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 15% công nghiệp của cả nước, là trung tâm dịch vụ lớn nhất, chiếm 33% dịch vụ của cả nước.
Giai đoạn 2016-2020, TPHCM cũng là trung tâm dịch vụ giáo dục - đào tạo và y tế lớn nhất cả nước, đóng góp 19,6% giá trị tăng thêm của ngành giáo dục và 23,3% giá trị tăng thêm của ngành y tế cả nước.
2. Có mô hình mới trong tiếp thu rộng rãi ý kiến của Nhân dân để chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.
TPHCM là một địa phương đi đầu trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí, các kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, của Hội đồng nhân dân, của Đoàn đại biểu Quốc hội, để xây dựng bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng chống suy thoái, tham nhũng. Thái độ lắng nghe của thành phố thể hiện qua việc Thành ủy đã ban hành Quy định 1374, quy định trách nhiệm của cấp ủy các cấp phải lãnh đạo và giám sát việc tiếp nhận ý kiến của Nhân dân. Qua đó, hơn 2 năm qua, TPHCM đã tiếp nhận 8.778 thông tin phản ánh và đã xử lý được 8.660 thông tin, đạt tỷ lệ là 98,66% ý kiến phản ánh của Nhân dân và các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, qua đó đã kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật 328 đảng viên, 378 công chức, viên chức được kết luận là vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Là thành phố sạch sau 2 năm quyết liệt phấn đấu.
Là nơi có hơn 9 triệu dân nên việc giữ cho thành phố sạch không hề dễ, nhưng qua 2 năm vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, đến nay, 98% phường, xã đã được công nhận là sạch; chỉ còn 5/322 phường, xã chưa đạt. Đây là lần đầu tiên thành phố đạt được tỷ lệ này - là tiền đề để tiến tới thành phố sạch và xanh.
4. Nhiệm kỳ có nhiều đề xuất có tính đột phá để tạo thể chế phù hợp để cho thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Ba năm qua TPHCM đã chủ động đề xuất và xây dựng các đề án để trình Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội để tạo động lực mới cho thành phố phát triển. Tháng 10-2017, Quốc hội đã có Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tháng 10-2020, Quốc hội sẽ xem xét đề án Chính quyền đô thị ở TPHCM và sau đó là đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, một đô thị sáng tạo tương tác cao, động lực tăng trưởng mới cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Về tổng thể, 5 năm qua TPHCM đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hơn, kinh tế tiếp tục phát triển, văn hóa, chất lượng đời sống người dân được nâng cao. GRDP/người của thành phố năm 2015 là 5.104 USD đã tăng lên 6.328 USD vào năm 2020.
- Thưa đồng chí Bí thư, TPHCM xác định các động lực phát triển của mình là gì?
Các Văn kiện của Đảng chỉ rõ 3 yếu tố quan trọng gồm: kinh tế, văn hóa, thể chế chính trị. Một thành phố phát triển phải có động lực từ cả 3 yếu tố đó.
Về kinh tế, bên cạnh việc thực hiện kinh tế thị trường nói chung, TPHCM tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa sản xuất. Ví dụ, Khu Công nghệ cao TPHCM với khoảng 800ha, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 35.000 người lao động. Trong 5 năm vừa qua, từ mảnh đất này đã xuất khẩu 63 tỷ USD.
Hay Khu Công viên phần mềm Quang Trung với khoảng 10.000 lao động, trong hai năm 2019-2020, bình quân mỗi năm xuất khẩu phần mềm khoảng 500 triệu USD. Hướng của thành phố tới đây là tập trung vào ứng dụng công nghệ cao gắn với nhu cầu trong nước, quốc tế.
Một yếu tố động lực khác của thành phố là cải thiện môi trường đầu tư. Nhiệm kỳ vừa qua, TPHCM đặt chỉ tiêu lọt vào tốp 5 cả nước có môi trường đầu tư tốt nhất, nhưng không đạt được. Đây là một hạn chế mà trong báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tới đây đã phân tích rất sâu sắc. Từ đó, cần phải quyết liệt hơn trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là chuẩn hóa quy trình phục vụ của cấp thành phố, sở, ngành. TPHCM phải thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào thành phố.
Để tạo động lực mới cho phát triển thành phố, Thành ủy đã nghiên cứu khảo sát một số nước và tổ chức hội thảo quốc tế để hình thành vùng động lực mới của thành phố trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Đó chính là TP Thủ Đức trong tương lai. Về mặt kinh tế, đó là khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Thông qua quá trình chuẩn bị từ năm 2018, TPHCM xác định đây là vùng có những tiền đề trở thành vùng động lực mới.
Với diện tích, dân số chiếm hơn 10% của TPHCM, nhưng TP Thủ Đức tương lai lại là nơi có ứng dụng công nghệ cao lớn nhất, có quy mô, mật độ nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học lớn nhất với 7 đại học chủ chốt, hơn 100.000 sinh viên, hơn 2.000 tiến sĩ.
Đây cũng là nơi có khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm Tài chính TPHCM. Bốn tương tác gồm khu công nghệ cao lớn nhất, khu nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học lớn nhất, trung tâm tài chính và đô thị mới với hạ tầng hiện đại nhất sẽ tạo động lực lớn, có triển vọng đóng góp khoảng 1/3 kinh tế của TPHCM.
Hiện kinh tế TPHCM chiếm 22%-23% cả nước, như vậy TP Thủ Đức trong vòng 10-15 năm tới có thể đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước. Nếu đạt mức đó, TP Thủ Đức sẽ có đóng góp lớn hơn kinh tế của Đồng Nai, Bình Dương bây giờ (chiếm khoảng 6% GDP của Việt Nam).
Sau quá trình chuẩn bị, TPHCM đã báo cáo Chính phủ, dự kiến Chính phủ sẽ trình Thường vụ Quốc hội để cho phép thành lập TP Thủ Đức với cơ chế chính quyền đô thị. Với vị trí sát Đồng Nai và Bình Dương, TP Thủ Đức sẽ tạo nên sự lan tỏa kinh tế tri thức, kinh tế số ở vùng kinh tế Đông Nam bộ.
Ngoài ra, TPHCM cũng có một chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, các sản phẩm chủ lực và khởi nghiệp sáng tạo. Đó là các động lực phát triển về kinh tế của TPHCM.
Về động lực văn hóa, TPHCM xác định văn hóa là mục tiêu, là nền tảng phát triển xã hội. Tại buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 3-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trách nhiệm và niềm vinh dự của TPHCM khi là địa phương duy nhất được mang tên Bác. Dù trước đây TPHCM được ví như Hòn ngọc Viễn Đông hay đầu tàu kinh tế của cả nước, việc được mang tên Bác vẫn rất đặc biệt. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân TPHCM phải luôn thấy được niềm tự hào này, suy nghĩ làm sao để việc được mang tên Bác trở thành một động lực phát triển cho thành phố.
Bác đã đi xa 50 năm. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp Hồ Chí Minh là di sản của quốc gia trong quá trình phát triển đất nước. Nhưng với thành phố mang tên Bác, chúng ta cần và có thể biến sức mạnh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thành sức mạnh của mỗi người dân thành phố, để mỗi người chúng ta có ý chí mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn nữa trong xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Muốn vậy, chúng ta cần phải làm sao, để tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Bác không chỉ đến với mỗi người dân thành phố qua các đợt sinh hoạt chính trị mà phải hiện hữu hàng ngày đối với công dân mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và bạn bè du khách tới TPHCM, không chỉ là di sản văn hóa, chính trị của dân tộc, mà là tài sản của người dân thành phố trong suốt cuộc sống của mình. Tức là môi trường sống ở TPHCM phải là môi trường sống chứa đầy các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Bác. Nói một cách khác, môi trường sống ở TPHCM cần là không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu mỗi ngày. Ý tưởng phải xây dựng môi trường sống của TPHCM thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được bổ sung vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, sau cuộc họp với Bộ Chính trị.
Bên cạnh việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, với việc hình thành và phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh, động lực văn hóa, nguồn lực con người của thành phố sẽ được phát huy mạnh hơn nữa.
Cuối cùng là động lực về chính trị. Hiến pháp 2013 đã xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về quyết định của mình”, TPHCM nhận thức rằng để xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, phải biết mình yếu ở đâu. Phương châm được thành phố xác định là phải dựa vào dân, dựa vào giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Hội đồng Nhân dân để thấy được yếu kém của mình.
Bằng Quy định 1374 do Thường vụ Thành ủy ban hành tháng 12-2017, TPHCM đã tạo ra một công cụ mới để Đảng và chính quyền nghe dân nói và làm thực sự theo yêu cầu của dân. Qua đó từ tháng 1-2018 đến nay, thành phố đã tiếp nhận 8.778 thông tin phản ánh, bình quân mỗi tháng tiếp nhận 266 tin phản ánh của người dân, là cơ sở để cấp ủy và chính quyền các cấp nhắc nhở, xử lý cán bộ.
Kỷ luật đảng viên, cán bộ là đáng tiếc, nhưng buộc phải làm, vì dân, vì Đảng. Bình quân 33 tháng qua, mỗi tháng TPHCM có 10 đảng viên phải kỷ luật về mặt Đảng, 11 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý về mặt chính quyền qua việc tiếp thu ý kiến của nhân dân.
Trong vận hành hệ thống chính trị, để tạo động lực phát triển, cái gốc là phải nghe dân đánh giá. Trong văn kiện của thành phố lần này đề ra chỉ số phấn đấu đạt tỷ lệ hài lòng của người dân trên các lĩnh vực từ 95% trở lên.
- Thưa đồng chí, vừa qua có tình trạng khi có cán bộ bị xử lý kỷ luật, xử lý do có sai phạm thì nhiều người lo lắng, chùng lại?
Đúng là thực tế có một số cán bộ các cấp giải quyết việc chậm lại. Nhưng cũng không phải mọi nơi như vậy. Thành phố cũng đã chấn chỉnh việc này.
Nếu nói vì có người bị kỷ luật mà sợ tiếp tục sai, không dám làm thì không đúng. Có người bị kỷ luật, chúng ta sẽ không sai nếu biết rút ra bài học.
Để giải quyết tình trạng này, cái gốc là phải làm việc đúng luật pháp. Thấy luật pháp chỗ nào chưa đầy đủ, chưa rõ ràng thì phải thảo luận tập thể để có cách hiểu, cách làm thống nhất. Nếu liên quan đến một sở, ngành thì ban giám đốc phải thảo luận, liên quan đến thành phố thì các sở ngành cùng với thành phố thảo luận. Còn chỗ nào chưa rõ thì hỏi Chính phủ, hoặc kiến nghị cho làm thí điểm cái mới.
Vừa qua, TPHCM cũng đã thực hiện theo hướng này. Ví dụ thành phố đã kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận, ban hành Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM. Thành phố xác định khi nhận trách nhiệm cao hơn thì cho phép giải quyết cũng nhanh hơn.
Hay trong việc đền bù giải tỏa rất chậm, TPHCM kiến nghị Chính phủ một quy trình rút gọn, giúp rút ngắn được 1/3 thời gian cho các thủ tục này.
Phải nhấn mạnh rằng, làm đúng luật pháp thì không thể sai, không thể bị kỷ luật. Người bị kỷ luật chính là người làm trái luật pháp. Ví dụ dự án phải đấu thầu nhưng lại chỉ định thầu, giao đất không theo giá thị trường mà giao thấp hơn, hoặc với những việc cần ý kiến tập thể nhưng một số cá nhân lại quyết định…
Chúng ta đòi hỏi đảng viên, công chức làm hết trách nhiệm và đánh giá dựa vào sự hài lòng của người dân. Nếu cán bộ công chức chần chừ, làm chậm, sợ trách nhiệm đương nhiên dân không hài lòng. Dân không hài lòng, cán bộ công chức không tự giác sửa chữa thì cuối cùng phải sắp xếp lại con người.
- Nhiệm kỳ tới, TPHCM xác định các đột phá nào để phát triển thưa đồng chí?
Đại hội Đảng XII xác định 3 khâu đột phá là thể chế, phát triển hạ tầng và phát triển nhân lực, khoa học - công nghệ. TPHCM cũng thực hiện 3 đột phá này phù hợp với đặc điểm của thành phố.
Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần này, chúng tôi xác định 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm.
Đột phá thứ nhất là đổi mới quản lý. Trước hết, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố, rồi tiến hành sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm. Thành phố đã đề xuất thực hiện đề án chính quyền đô thị, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháng 10-2020. Ở các quận, phường không có HĐND, UBND sẽ giúp cho quyết định nhanh hơn, trực tiếp hơn và tính chịu trách nhiệm cao hơn. Song song đó, thành lập TP Thủ Đức cùng đề án đô thị sáng tạo tương tác cao sẽ tạo vùng động lực phát triển mới cho TPHCM. Trong Chương trình đột phá về đổi mới quản lý thành phố có 14 nhiệm vụ, đã được cụ thể hóa thành 14 đề án. Các đề án này đã xây dựng xong và nằm trong bộ tài liệu trình Đại hội Đảng bộ tới đây. Ngay sau đại hội, các sở ngành có thể bắt tay hành động ngay.
Đột phá thứ hai là phát triển hạ tầng thành phố, được cụ thể hóa thành 13 đề án, trong đó có đề án phát triển hạ tầng giao thông, đề án chống ngập và xử lý nước thải, quy hoạch xử lý chất thải rắn, phát triển hạ tầng dịch vụ và hạ tầng công nghiệp.
Đột phá thứ ba là phát triển nhân lực và văn hóa, bao gồm 11 nhiệm vụ. Trong đó, lần đầu tiên có chiến lược phát triển văn hóa TPHCM đến năm 2035. Sau đại hội, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ngoài ra có đề án hỗ trợ phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của thành phố, đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời.
Ngoài 3 chương trình đột phá, thành phố có Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố, gồm 14 đề án thành phần, hướng đến 8 lĩnh vực ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Tóm lại, với 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển TPHCM, bao gồm 51 đề án thành phần với tầm nhìn đến 2030 và 2045, Đảng bộ TPHCM đã chuẩn bị khá đồng bộ, khoa học chặng đầu con đường phát triển của TPHCM đến giữa thế kỷ 21.
Đảng bộ TPHCM luôn tôn trọng, tự hào về truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của Nhân dân và Đảng bộ Thành phố. Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân suy tôn giữ vai trò lãnh đạo đất nước qua 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành lại độc lập, đưa cả nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong nửa cuối thế kỷ 20 và thế kỷ 21. Hiến pháp 2013 quy định quyền lãnh đạo xã hội và Nhà nước của Đảng, đồng thời quy định nghĩa vụ của Đảng, của đảng viên là phải “phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình”. Hướng tới 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, mỗi đảng viên, tổ chức Đảng ở TPHCM cần “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”, như chủ đề của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
- Xin cảm ơn đồng chí!