Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để đưa đất nước phát triển bền vững trong tương lai, ngay bây giờ một số vấn đề phải làm và cần được quan tâm hơn.
“Quốc gia phát triển bền vững có thể cần 5 yếu tố: bền vững về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và lao động, dân số. Ở đây, tôi muốn đề cập đến vấn đề lao động, dân số”, Bí thư Thành ủy TPHCM nói.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nếu 2 người trưởng thành, sinh được 2 người con thì khi 2 người này về hưu và mất đi, xã hội có 2 lao động thay thế. Đó chính là công thức đơn giản của bền vững xã hội về lao động. Đó gọi là mức sinh thay thế. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, khi 20 trẻ đến 20 tuổi thì có 1 trẻ mất do bệnh tật, tai nạn, tức chỉ còn 19 trẻ. Nếu 10 cặp vợ chồng sinh đúng 20 trẻ thì khi lớn lên chỉ còn 19 trẻ, vì vậy tỷ suất sinh lý tưởng được khuyến cáo là 10 người phải sinh được 21 cháu. Hay tỷ suất sinh lý tưởng là 2,1 cháu/1 phụ nữ, tỷ suất sinh này gọi là tỷ suất sinh thay thế. Điều này nói dễ nhưng không dễ, vì thực tế nhiều quốc gia không thành công trong việc duy trì mức suất sinh thay thế. Nhật Bản sau nhiều năm nỗ lực thì hiện nay mức sinh là 1,4 cháu/1 phụ nữ. Theo dự báo trong vòng 50 năm tới, dân số Nhật Bản giảm 40 triệu người, thiếu trầm trọng lao động, dư thừa năng lực về giao thông, trường học, bệnh viện, quỹ an sinh xã hội có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích, nguyên nhân của tình trạng này thứ nhất là do văn hóa lao động là trên hết, còn gia đình, sinh con là phụ. Nhiều nước Nhật Bản, Hàn Quốc ½ thế kỷ làm việc liên tục nhiều giờ trong ngày, còn vấn đề gia đình, sinh con để sang một bên, nên bây giờ giải quyết hết sức khó khăn. Thứ hai, hiện nay những điều kiện hỗ trợ người có con về y tế, trường học không phù hợp nên nhiều người không muốn có con.
“Khi có con thì họ dễ mất việc làm nên họ không muốn sinh con. Đó là xu hướng của nhiều nước, kể cả Singapore”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Vì vậy, năm 2017, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã có Nghị quyết 21 về vấn đề công tác dân số trong thời kỳ mới. Đây là Nghị quyết rất quan trọng và kịp thời, trong đó xác định chúng ta có mục tiêu là duy trì vững chắc tỷ suất sinh thay thế của đất nước, đó là bình quân 2,1 cháu/1 phụ nữ.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, chúng ta đã giảm được mức sinh từ 4,3 xuống 2,1 cháu/1 phụ nữ trong những năm qua. Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì được mức này. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta có nên giảm mức sinh nữa hay không? Kế hoạch cũ là đến năm 2020, còn mức sinh thay thế là là 1,8 cháu/1 phụ nữ. Đây là mục tiêu không hợp lý, do đó Nghị quyết Trung ương đã đề nghị thay đổi. Đến 31-12-2017, Chính phủ có Nghị quyết 37 về công tác dân số với chỉ tiêu hàng đầu là duy trì vững chắc mức sinh thay thế và coi dân số là một chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội, vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con.
“Mục tiêu của chúng ta là duy trì mức sinh 2,1 cháu/1 phụ nữ, nhưng nếu vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con sẽ không đủ mục tiêu”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Hồng mức sinh là 2,16 cháu/1 phụ nữ là tương đối ổn. Tây Bắc và miền núi phía Bắc là 2,4 cháu/phụ nữ; Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên cũng hơi cao nhưng là cần thiết. Vì Đông Nam bộ chỉ ở mức 1,62 cháu; Tây Nam bộ là 1,8.
“Chừng nào mà Đông Nam bộ và Tây Nam bộ còn có mức sinh quá thấp thì chúng ta phải có quy hoạch về vấn đề dân số để không còn băn khoăn việc này”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ có hướng dẫn về mức sinh cho các địa phương, không phải chỗ nào cũng giảm mức sinh. Chừng nào mà khu vực miền Nam không đạt mức sinh thay thế thì miền Bắc còn phải bù, và đó là điều cần thiết, điều này phải có tổ chức, kế hoạch.
Với tinh thần đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ sẽ triển khai công tác dân số hợp lý để đến năm 2035-2045, đất nước ta kỷ niệm 100 năm thành lập, thì dân số nước ta vẫn bền vững.