Sáng 16-1, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã tham dự hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng năm 2018, công tác năm 2019 và sơ kết 1 năm thực hiện Quy định 1374 (năm 2017) của Ban Thường vụ Thành ủy.
Xây dựng hệ sinh thái “không dám tham nhũng”
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến vai trò của ngành kiểm tra Đảng, không chỉ đảm bảo Đảng trong sạch vững mạnh mà còn góp phần giúp chính quyền vững mạnh thêm. Tuy nhiên, để công tác kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị được thực hiện tốt hơn thì cần có sự phối hợp một cách đồng bộ giữa cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra nhà nước và hệ thống giám sát của MTTQ, HĐND, Quốc hội.
Năm qua, UBND TPHCM nhận khoảng 8.000 nội dung phản ánh khiếu nại, tố cáo, trong đó hơn 4.000 cần phải giải quyết. Cùng với lượng thông tin phản ánh nhận theo Quy định 1374-QĐ/TU (về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước).
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về sự phối hợp, phân vai của cơ quan thanh tra, kiểm tra, HĐND, MTTQ và đoàn Đại biểu Quốc hội, nhằm đảm bảo công tác này đủ sức phủ trên diện rộng và đạt hiệu quả cao.
Đề cập đến Quy định 1374, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ kết quả thực hiện năm qua rất đáng trân trọng, khi giải quyết thông tin phản ánh hơn 82%, từ đó nhiều đảng viên, công chức bị xử lý. Tuy nhiên, việc công bố công khai vi phạm trên báo chí là ít, chưa tạo được răn đe, nhắc nhở nên công việc này cần thực hiện thường xuyên hơn, tạo không khí khẳng định cả hệ thống chính trị vào cuộc rõ ràng, quyết liệt hơn.
Nhấn mạnh đến quyết tâm xây dựng hệ thống Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lặp lại yêu cầu về sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của cả hệ thống chính trị để những cán bộ, đảng viên sai phạm đều phải bị xử lý, sẽ không thoát được.
Đề cập đến giải pháp cụ thể, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cần thực hiện có hiệu quả hơn Quy định 1374; đồng thời hình thành không khí nghiêm túc trong xử lý các sai phạm để răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
"Ủy Ban kiểm tra Thành ủy chủ trì, hàng quý phải có báo cáo và công bố kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát của toàn TP", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ và dẫn chứng kinh nghiệm từ Singapore, đã xây dựng được cơ chế, ý thức: “không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng”.
TPHCM cũng cần hệ sinh thái cán bộ công chức lành mạnh, gương mẫu và sống được (một trong những cơ chế cụ thể là chi thu nhập tăng thêm), đảm bảo càng gương mẫu càng sống tốt.
"Nếu không gương mẫu mà sống tốt hơn thì sẽ có người cố ý làm sai", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và yêu cầu phải có báo cáo hàng quý và công bố kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát của toàn TP định kỳ hàng quý. Qua hệ thống thông tin này sẽ giúp cảnh báo cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao những kết quả ngành kiểm tra Đảng của TP đạt được trong năm 2018, khi tổ chức đảng kiểm tra, giám sát đối với gần 4.000 tổ chức đảng. Song, vấn đề đặt ra là 4.000 cuộc kiểm tra, giám sát này tương thích như thế nào đối với số lượng thông tin phản ánh, đơn từ (khoảng 8.000) nhận được trong năm. Điều này đòi hỏi việc kiểm tra giám sát cần phải gắn với cơ cấu vấn đề, địa bàn lĩnh vực cũng như đối tượng thực hiện, đảm bảo kết quả kiểm tra, giám sát của Đảng đạt hiệu quả cao nhất.
Mặc khác, để việc phát hiện, xử lý yếu kém, sai phạm kịp thời và tốt hơn thì phải xây dựng chương trình giám sát và thanh tra chuyên đề hiệu quả; đồng thời thực hiện việc kiểm tra chính những người thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Kiểm tra, giám sát nhiều chương trình mới
Trước đó, tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, thông tin năm qua Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp đã kiểm tra đối với 2.104 tổ chức đảng và 2.515 đảng viên, giám sát đối với 1.819 tổ chức đảng và 2.460 đảng viên.
“Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực mới”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết và dẫn chứng đó là kiểm tra thực hiện chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập, giám sát việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cùng đó là việc giám sát thực hiện việc tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, qua đó cho thấy công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thường xuyên. Song, công tác này còn một số tồn tại, kết quả chưa bền vững, chưa có giải pháp căn cơ, đẩy đuổi là chính và chưa giải quyết vấn đề vệ sinh đô thị, rác thải.
Đặc biệt là việc kiểm tra tài chính đảng, doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ TP và các tài sản, tài chính, đầu tư công quan trọng khác đối với hơn 304 tổ chức đảng. Trong đó, Văn phòng Thành ủy, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Phú Nhuận (2 doanh nghiệp của Đảng bộ TP) có vi phạm trong việc thẩm định, đề xuất cho phép chuyển nhượng, hợp tác kinh doanh đối với các dự án, đất đai của công ty.
Các đơn vị này cũng thiếu thẩm định chặt chẽ, chính xác khi tham mưu đề xuất nên việc thực hiện hợp tác đầu tư, chuyển nhượng các dự án nêu trên còn nhiều khuyết điểm, vi phạm; thực hiện không đúng quy định về chuyển nhượng, bán tài sản bằng hình thức chỉ định, không thông qua đấu giá, đấu thầu; không họp bàn, thảo luận dẫn đến việc đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.
Vụ việc đã gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng bộ TP và các cá nhân có liên quan đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, năm qua, ngành kiểm tra Đảng của TP đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 407 tổ chức đảng và 681 đảng viên (có 1 Thành ủy viên, 6 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý) và phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể đã thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách; kỷ luật 412 đảng viên (khiển trách 309 trường hợp, cảnh cáo 81 trường hợp, cách chức 15 trường hợp và khai trừ đối với 7 trường hợp).
“Nội dung vi phạm chủ yếu về thực hiện không đúng quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm các quy định về quy hoạch, đề bạt, điều động, bố trí cán bộ…”, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu thống kê và nhận xét, việc xử lý kỷ luật chính quyền khi có kết luận thanh tra, kiểm toán còn chậm, một số quyết định kỷ luật chính quyền chưa nghiêm, chưa phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm.
Khen thưởng 22 tập thể Tại hội nghị, 11 tập thể thực hiện tốt Quy định số 1374-QĐ/TU (trong đó có Báo SGGP đã thực hiện tốt việc tuyên truyền) và 11 tập thể có nhiều thành tích trong công tác kiểm tra, giám sát đã được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tặng bằng khen 11 tập thể có nhiều thành tích trong công tác kiểm tra, giám sát . Ảnh: VIỆT DŨNG |
Chỉ đạo giải quyết 3.074 thông tin theo Quy định 1374-QĐ/TU Qua 1 năm thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua một năm thực hiện, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo giải quyết 3.074/3.747 thông tin (trên 82%) và tổ chức 115 cuộc kiểm tra, 162 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện Quy định 1374. Qua chỉ đạo giải quyết thông tin phản ánh đã chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật 97 đảng viên (khiển trách 56 đảng viên, cảnh cáo 33 đảng viên, cách chức 7 đảng viên và khai trừ 1 đảng viên); xử lý về chính quyền đối với 142 cán bộ, công chức, viên chức (khiển trách 63 trường hợp, kéo dài thời gian nâng bậc lương 10 trường hợp, cảnh cáo 40 trường hợp, cách chức 7 trường hợp, giáng cấp hoặc chuyển công tác 9 trường hợp và buộc thôi việc 13 trường hợp). Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu, nhận xét hiện vẫn còn có đơn vị và người đứng đầu chưa nắm Quy định 1374, còn lúng túng trong phân loại nguồn thông tin và việc chỉ đạo giải quyết chưa đảm bảo quy trình theo quy định. Một số đơn vị có thông tin phản ánh nhưng chưa kịp thời chỉ đạo tập thể, cá nhân liên quan báo cáo giải trình và vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết. |