Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Quận ủy quận 1; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cùng lãnh đạo các sở, ban ngành TPHCM.
Ngoài nội dung làm việc liên quan đến chủ trương, kế hoạch chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, đoàn công tác lắng nghe kết quả, những khó khăn về cơ chế để kịp thời tháo gỡ trong việc vận động, cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận 1. Trước buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại, từ trước đến nay, TPHCM đã có chủ trương, triển khai thực hiện việc vận động, cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, một thời gian thiếu sự đầu tư, kiểm tra giám sát, nâng cấp cải tạo dẫn đến tình trạng như vừa qua.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Nhắc lại những câu chuyện liên quan đến nhà vệ sinh công cộng, Bí thư Thành ủy TPHCM thẳng thắn chỉ ra, TPHCM cần phải nhìn lại vấn đề này một cách nghiêm túc. Tất cả cư dân của TPHCM không thể chấp nhận được tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, kém vệ sinh. Từ đó, TPHCM phải hành động một cách quyết liệt để khắc phục tình trạng trong thời gian sớm nhất, dứt khoát đến trước 30-4 phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc này.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: Ngôi nhà hơn 10 triệu dân, TPHCM phải có trách nhiệm với ngôi nhà, làm sao để lại những ấn tượng đẹp khi người dân và du khách đến thành phố. TPHCM phải xem việc này quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách. TPHCM không làm nhà vệ sinh công cộng với mục đích để lấy thành tích, xếp thứ hạng. Từ đây đến cuối tháng 4-2023, TPHCM quyết tâm tạo sự chuyển bộ trong vấn đề này.
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu từ nay đến cuối tháng 4-2023, các địa phương phải tạo sự chuyển bộ mạnh mẽ trong việc giải quyết câu chuyện thiếu nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Vừa qua các địa phương đã có sự chuyển bộ nhanh khi UBND TPHCM chỉ đạo liên quan đến việc rà soát lại kết quả thực hiện vận động, cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng theo hướng hiện đại, đảm bảo yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường. Trong đó, quận 1 là địa phương làm bài bản và có kế hoạch cụ thể.
Trong buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý quận 1, việc đặt vị trí nhà vệ sinh công cộng phải chú ý đến nhu cầu của người dân và du khách. Vì vậy, không thể đặt vị trí nhà vệ sinh công cộng theo một cách cơ học. Cùng với đó tính toán đến vị trí nơi nào có thể đặt nhà vệ sinh công cộng lưu động và nơi nào đặt nhà vệ sinh công cộng cố định.
Quận 1 đề xuất xây nhiều nhà vệ sinh cộng cộng
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, hiện nay trên địa bàn quận 1 có tổng cộng 18 nhà vệ sinh công cộng. Ngoài ra, khu vực quận 1 có nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại được trang bị nhà vệ sinh hiện đại có thể vận động hỗ trợ phục vụ miễn phí cho người dân và du khách.
Bí thư Quận ủy quận 1 Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Lãnh đạo quận 1 nêu một số khó khăn, đó là quận không có quỹ đất công cộng để bố trí nhà vệ sinh công cộng. Do đó, trong thời gian vừa qua chỉ tồn tại các nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, bến xe bus.
Từ năm 2017, UBND quận 1 đã chỉ đạo UBND các phường vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận tạo điều kiện để người dân và du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Dù vậy người dân còn tâm lý ngần ngại khi cần sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp.
Qua ghi nhận tại các nhà vệ sinh công cộng thì ý thức người sử dụng chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng. Một số nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí còn tình trạng người sử dụng tận dụng tắm giặt, lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh. Do đó, cần phải duy trì lực lượng đảm bảo vệ sinh thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Kết quả đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, UBND quận 1 đã phát động phong trào vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn quận 1 hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh khi có nhu cầu sử dụng trong giai đoạn 2023-2025.
Cụ thể trong tháng 3-2023, quận 1 xác định ít nhất 10 vị trí trên các tuyến đường trọng điểm của mỗi phường tập trung đông dân cư và du khách. Từ đó vận động các các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên các tuyến đường này hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh của tổ chức khi có nhu cầu sử dụng và đặt biển báo theo mẫu.
Hiện nay, UBND quận 1 đã vận động được 100 vị trí trên địa bàn quận đã lắp biển báo hỗ trợ cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh của tổ chức.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đối với việc đầu tư xây dựng mới, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, qua rà soát các khu đất trống trên địa bàn quận 1 hiện nay chưa thực hiện dự án, UBND quận 1 đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM chấp thuận chủ trương xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng tạm thời tại 5 vị trí có thể xây dựng, phục vụ miễn phí cho người dân và du khách.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh thông tin tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ngày 16-3, UBND quận 1 đã có buổi làm việc với một số đơn vị chuyên về lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhà vệ sinh công cộng như Hiệp hội nhà Vệ sinh Việt Nam, Công ty TNHH Mister Loo (Việt Nam), Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong. Sau khi nghe các doanh nghiệp trình bày và ý kiến của các đơn vị dự họp, UBND quận 1 đề nghị các doanh nghiệp sớm có đề xuất chính thức về việc đầu tư xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận.
Nhằm sớm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng, UBND quận 1 thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp nêu trên sớm có đề xuất chính thức để tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM có chỉ đạo thực hiện. Phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng mới từ 3 đến 5 nhà vệ sinh công cộng trước ngày 30-4-2023. Theo dự kiến, chi phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng đối với 5 nhà vệ sinh; chi phí vận hành khoảng 2 tỷ đồng/năm.