Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM có buổi gặp gỡ nhóm luật sư Pháp đã đồng hành cùng bà Trần Tố Nga trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Cùng tham gia buổi gặp mặt có các đồng chí: Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM; Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ.
Hỗ trợ bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam, là nhóm luật sư Pháp gồm 3 người. Đó là ông William Bourdon, bà Amélie Lefebvre (không dự buổi gặp mặt - PV) và ông Bertrand Repolt. Nhóm còn có sự đồng hành của ông Nguyễn Văn Bổn, ông Nguyễn Bình (thuộc Ủy ban hỗ trợ vụ kiện của bà Trần Tố Nga).
Tính từ thời điểm luật sư Bourdon quyết định theo đuổi vụ kiện (vào năm 2009), đến nay, các luật sư đã nhiệt tình đấu tranh vì chính nghĩa, không nhận thù lao trong 14 năm.
Bí thư Thành ủy TPHCM gửi lời cảm ơn các luật sư Pháp và những người ủng hộ đã đồng hành cùng bà Trần Tố Nga trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin.
Đồng chí cũng mong muốn và tin tưởng các luật sư có đầy đủ sức khoẻ, thành công và niềm tin trong chặng đường phía trước.
Đáp lại, luật sư William Bourdon khẳng định, hồ sơ của bà Trần Tố Nga là sự ưu tiên quan trọng hàng đầu của văn phòng luật sư ông. Ưu tiên không chỉ vì tình cảm của nhóm luật sư đối với bà Nga, với nhân dân Việt Nam, mà còn là đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Luật sư William Bourdon (áo trắng) và luật sư Bertrand Repolt (bìa trái) tại buổi gặp mặt. Ảnh: KIỀU PHONG |
“Đây là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, không chỉ cho bà Trần Tố Nga, mà còn cho những gì bà Nga đại diện”, luật sư William Bourdon chia sẻ và bày tỏ ấn tượng trước sức bền, khả năng chống chịu của bà Nga trong nỗ lực theo đuổi vụ kiện.
Trong vụ kiện, nhóm luật sư của ông đã dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu hồ sơ, đi nhiều nơi củng cố chứng cứ, thậm chí phải sang tận New York (Mỹ) truy lục hồ sơ.
Điều khó khăn là sự việc diễn ra đã rất lâu. Nhóm cũng đối diện với nhóm luật sư hùng hậu của các công ty sản xuất hóa chất (ở Mỹ) với bộ hồ sơ khổng lồ, dày 150 trang, tìm mọi cách để “bóp nghẹt” phía khởi kiện.
Theo luật sư William Bourdon, phiên toà phúc thẩm dự kiến diễn ra vào quý 2 năm 2024. “Chúng tôi đấu tranh với luận điểm quan trọng là đấu tranh không phải vì kiện Chính phủ Mỹ hay kiện Bộ Quốc phòng Mỹ. Chúng tôi kiện các công ty trúng thầu các gói thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đây là những đơn vị độc lập, tách rời quyền miễn trừ ngoại giao của Chính phủ Mỹ”, luật sư William Bourdon phân tích.
Các luật sư cũng chia sẻ đã trao đổi với bà Trần Tố Nga về chương trình sắp tới và các công việc của luật sư như tiếp tục dịch tài liệu, tiếp tục trao đổi với các luật sư ở Mỹ, về Việt Nam củng cố chứng cứ cho vụ kiện…
Luật sư Bertrand Repolt tiếp lời: “Tôi cũng muốn nói, quý vị có thể hoàn toàn tin tưởng vào sự nhiệt tình, cố gắng và quyết tâm của chúng tôi đeo đuổi vụ kiện”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ cảm kích trước hành động, nỗ lực của các luật sư và những người ủng hộ vụ kiện trong suốt thời gian qua.
Theo đồng chí, mặc dù chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn. Trên khắp mọi miền đất nước, người dân vẫn phải hứng chịu thiệt hại từ những vật liệu nổ còn sót lại, đặc biệt là những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga và các luật sư đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin là hết sức có ý nghĩa, chưa từng có tiền lệ. Đây không chỉ là đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam mà còn kêu gọi, thu hút sự quan tâm của dư luận trên thế giới đối với các cuộc đấu tranh vì môi trường.
Đoàn lãnh đạo TPHCM cùng các luật sư Pháp và các cá nhân đồng hành "vụ kiện da cam". Ảnh: KIỀU PHONG |
Nhận xét vụ kiện là chưa có tiền lệ, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ: “Chúng ta còn quảng đường đầy gian nan về vấn đề pháp lý, nhưng đến nay, tôi cho rằng, về đạo lý, chúng ta đã thắng”.
Chiến thắng là nhân dân quốc tế đã hiểu hơn về tác hại của chất độc da cam/dioxin, không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ thứ nhất, thứ 2, mà nay thế hệ thứ 5 cũng bị ảnh hưởng. Chiến thắng còn là việc không được phép sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh nữa.
Thông tin về vụ kiện
Bà Trần Tố Nga, 81 tuổi, mang hai quốc tịch Pháp - Việt và chịu đựng nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Các xét nghiệm y tế cho thấy nồng độ dioxin trong máu bà cao hơn tiêu chuẩn quy định.
Tháng 5-2013, Tòa đại hình Evry (ngoại ô Paris) chấp thuận đơn của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Tháng 4-2014, tòa mở phiên đầu tiên yêu cầu 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có mặt (do nhiều công ty đã giải thể).
Từ đó đến nay, tòa trải qua 18 phiên và 1 phiên điều trần ngày 25-1-2021 với sự có mặt của 14 công ty. Vụ kiện của bà Nga là một vụ kiện lịch sử và đặc biệt. Bà là người duy nhất còn lại trên thế giới có thể đại diện nạn nhân da cam Việt Nam khởi kiện vì hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình và là nạn nhân chất độc da cam.
Trước đó, năm 2009, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chống lại 37 công ty hóa chất Mỹ.
Ngày 10-5-2021, Tòa đại hình Evry đã bác bỏ vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất, trong đó có Monsanto & Dow Chemical đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tòa đại hình Evry cho biết họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ. Các công ty bị kiện đã hành động do yêu cầu của Chính phủ Mỹ, một pháp nhân “có chủ quyền”.
Tuy nhiên, bà Trần Tố Nga và các luật sư tiếp tục kháng án, đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam.