Ngày 2-6, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cấp TPHCM năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Giảm chồng chéo, trùng lắp
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Nam, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy thông tin, qua 1 năm tổ chức thực hiện Thông báo 3150-TB/TU ngày 29-3-2019 của Thành ủy về việc lãnh đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cấp thành phố (viết tắt là Thông báo 3150) năm 2019, công tác này được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị nhằm đảm bảo tính hợp lý, khoa học, tránh chồng chéo, trùng lắp.
Qua đó, UBKT Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra, giám sát đối với 19 tổ chức Đảng và 15 đảng viên. UBKT Thành ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 17 tổ chức Đảng, 15 đảng viên (có 6 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý), xác định 17 tổ chức Đảng, 15 đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.
Theo đồng chí Trần Văn Nam, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát tổng thể đã giúp cho các tổ chức, đơn vị giảm áp lực trong việc tiếp, làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát trong năm. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát được sắp xếp hợp lý, khoa học, đồng bộ, hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, đối tượng, thời gian khi thực hiện. Đồng thời, công tác xử lý kỷ luật Đảng được thực hiện đồng bộ, kịp thời với xử lý về mặt chính quyền và đoàn thế chính trị - xã hội. Cùng với đó, việc công bố, công khai các vi phạm đến các cơ quan báo chí định kỳ hàng quý, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh.
Qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, phần lớn các đơn vị đã chỉ ra được các ưu điểm, hạn chế, thiếu sót và yêu cầu các đối tượng được kiểm tra, thanh tra giám sát tập trung khắc phục; đồng thời xem xét, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đơn cử, qua các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; công tác quy hoạch, đề bạt, điều động, bố trí cán bộ... UBKT Thành ủy đã kết luận 17 tổ chức Đảng, 15 đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, đồng thời, xem xét, xử lý kỷ luật hoặc chỉ đạo tổ chức Đảng cấp dưới xem xét, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm theo thẩm quyền. Cùng với đó là việc đề xuất, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị chức năng điều chỉnh, bổ sung các quy định, hướng dẫn cho phù hợp.
Song, đồng chí Trần Văn Nam cũng nêu rõ những hạn chế, như một số cơ quan, đơn vị cấp TP chưa đảm bảo tiến độ kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chương trình đã đề ra; đối tượng kiểm tra, thanh tra, giám sát vẫn còn trùng lắp. Qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, một số đơn vị chưa phân tích, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm, khuyết điểm có nhiều trường hợp chưa tương xứng với kết luận. Đặc biệt, các Quận ủy - Huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy chưa thực hiện tốt việc công khai thông tin kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát tại địa phương, đơn vị mình. Trong đó, đồng chí Tô Thị Bích Châu chia sẻ về việc tập trung giám sát trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Đặc biệt là việc đổi mới phương thức, cách làm trong công tác giám sát qua ứng dụng công nghệ thông tin của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chia sẻ kết quả giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em trên địa bàn TP, từ đó đã chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và có nhiều đề xuất, kiến nghị với Trung ương, UBND TPHCM điều chỉnh, bổ sung một số quy định chính cũng như cách làm nhằm đảm bảo các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em được thực hiện tốt hơn.
Trong khi đó, đồng chí Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP thông tin về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà đơn vị thực hiện. Trong đó, năm 2019, Thanh tra TP thực hiện 33 đoàn thanh tra tại 101 đơn vị, phát hiện sai phạm kinh tế hơn 293 tỷ đồng. Từ đó, đơn vị kiến nghị thu hồi gần 282 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 30 đơn vị, 6 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
Công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, từng đơn vị, như các cơ quan dân cử, chính quyền các cấp cùng mặt trận - đoàn thể… lâu nay đều có chương trình giám sát độc lập. Song, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của hệ thống chính trị, trong điều kiện không tăng biên chế, Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy phải có sự phối hợp của các cơ quan cùng thực hiện 3 công việc này. Đó là lý do Ban Thường vụ Thành ủy có Thông báo kết luận 3150 về lãnh đạo xây dựng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của TP.
Nhấn mạnh đây là cách làm mới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn chia sẻ về việc TPHCM thực hiện cơ chế tiếp thu ý kiến của người dân trong việc đánh giá hoạt động của Đảng, Chính quyền, nhằm khắc phục các yếu kém, xử lý các cán bộ, đảng viên vi phạm, thông qua Quy định 1374-QĐ/TU của Thành ủy. Trong 2 năm qua, TPHCM thực hiện 2 nhiệm vụ mới, nhưng đều hướng đến một mục tiêu: nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và năng lực về quản lý.
“Ý thức chung là phải nâng cao trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo, 2 năm gần đây, Thành ủy triển khai thực hiện 3 biện pháp, gồm nghe dân để chấn chỉnh, nội bộ thì phối hợp đồng bộ hóa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và giao ban giữa hàng quý”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Trở lại kết quả thực hiện theo Thông báo 3150, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, đây là giải pháp đặc thù nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đánh giá, qua năm đầu tiên thực hiện, mỗi cơ quan, đơn vị đều nỗ lực thực hiện và có đánh giá những ưu điểm, tồn tại của đơn vị được thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát. Đặc biệt, các đơn vị có các kiến nghị cụ thể rất có ý nghĩa, như qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội có các kiến nghị và được đưa vào quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Việc xây dựng chương trình tổng thể đã giảm bớt sự trùng lắp, cho thấy vai trò của từng cơ quan, đoàn thể đóng góp vào việc nhiệm vụ chung. “Chính việc đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng góp phần tăng cường an ninh, chính trị ở TP”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và dẫn chứng, năm 2019, số lượng người dân ra Trung ương khiếu kiện giảm rất nhiều so các năm trước. Kết quả này chính là vì TPHCM đã xử lý kịp thời tại cơ sở, tại TPHCM, mà thông qua hoạt động đồng bộ của các cơ quan, đơn vị cùng mặt trận và các đoàn thể.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong năm qua, đồng chí lưu ý, Đảng lãnh đạo thì trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng phải do Đảng lãnh đạo. Công tác này cũng phải tiếp tục được thực hiện tốt ở các quận - huyện. Vì vậy, Bí thư các Quận - Huyện ủy rà soát công việc ở địa phương mình, từ đó xây dựng chương trình phối kiểm tra, thanh tra, giám sát cho đơn vị.
Phục vụ Đại hội Đảng các cấp - nhiệm vụ hàng đầu
Tiếp tục đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy, hoạt động thanh tra, giám sát có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, các hoạt động này hiệu quả, cộng với việc công bố công khai kết quả sẽ khẳng định hệ thống chính trị lắng nghe dân và khắc phục các yếu kém, hạn chế. Song, đồng chí cũng yêu cầu công tác này phải thực hiện có liều lượng phù hợp, có chất lượng để phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, UBKT Thành ủy ưu tiên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy; tiếp tục hướng dẫn, thực hiện tốt hơn Quy định 1374, đảm bảo dựa vào dân, lắng nghe dân để xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, UBKT Thành ủy theo dõi việc khắc phục các hạn chế, thiếu sót, vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra mà Ban Thường vụ đã chỉ đạo.
Đối với Ban Tổ chức Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, đây là cơ quan thường trực của Thành ủy trong công tác kiểm tra tổ chức Đại hội Đảng các cấp, với tinh thần đồng bộ không để xảy ra bất ngờ, không để sự cố. Trong đó, Ban Tổ chức Thành ủy phải tham mưu về việc xử lý các cán bộ có sai phạm, hoàn tất trước khi tổ chức đại hội. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy cần tham gia giám sát quy trình, thủ tục bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc thẩm quyền của UBND TP.
Đề cập nhiệm vụ của Ban Nội chính, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu đơn vị cần kiểm tra việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án; kiểm tra việc công bố, triển khai kết luận thanh tra ở sở - ngành, quận - huyện.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến các nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị khác. Trong đó, đồng chí lưu ý thêm nhiệm vụ của Thanh tra TP về việc kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra của giám đốc các sở - ngành, chủ tịch UBND các quận - huyện. Cùng với đó là chú trọng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và dự án xây dựng Thảo Cầm Viên (huyện Củ Chi).
Tương tự, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tập trung giám sát kết quả đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của TPHCM.
Giao nhiệm vụ cho HĐND TP, đồng chí yêu cầu cần giám sát tiến độ, hiệu quả thực hiện dự án giao thông quan trọng trên địa bàn; giám sát việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; giám sát công tác phòng, chống Covid-19, đặc biệt là hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, hạn chế số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến hạn chế trong việc công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát trong thời gian qua và yêu cầu khắc phục. Đồng chí phân tích, việc thông tin kịp thời về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ tạo ý nghĩa lan tỏa thông tin thường xuyên đến người dân, để người dân cảm nhận và tin tưởng hệ thống chính trị TPHCM về khả năng hoàn thiện, khắc phục hạn chế, yếu kém.
Yêu cầu thực hiện tốt hơn công tác phối hợp truyền thông đến người dân về kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao Ban Tuyên giáo Thành ủy làm đầu mối cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan báo chí; chủ động thông tin ít nhất đến Báo SGGP và Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM, cũng như hỗ trợ thông tin các báo khác mở chuyên mục nghe người dân nói thanh tra, kiểm tra giám sát của hệ thống chính trị TP. “Hệ thống chính trị muốn hoàn thiện phải lắng nghe người dân, đồng thời phải công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.