Sáng 14-8, UBND TPHCM tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019-2025.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Đặc biệt hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, cây xanh, chiếu sáng, nhất là chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Australia, Singapore và Hàn Quốc.
Phát biểu mở đầu hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, năm 1975 TPHCM có 3,6 triệu dân. Hiện nay, TPHCM đã có hơn 10 triệu dân.
“Dân số tăng nhanh, chỉ có diện tích cây xanh không tăng đáng kể”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, TPHCM đứng trước đòi hỏi phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đời sống tốt hơn. Lâu nay, kinh tế TPHCM đạt được nhiều kết quả, như năng suất lao động gấp gần 3 lần cả nước. Dân số TPHCM chỉ chiếm khoảng 10% cả nước nhưng đóng góp gần 25% tổng sản phẩm nội địa cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước.
TPHCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2030 tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, năng suất lao động phải hơn 3 lần cả nước, đóng góp 30% cho phát triển kinh tế của cả nước và là trung tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là thành phố thông minh, đặc biệt là thành phố xanh. Cùng với đó, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo cho sự phát triển của TPHCM.
“Hướng đến tương lai thì TPHCM phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đáng sống hơn”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xác định nhiệm vụ.
So sánh với một số nơi, tỷ lệ cây xanh trên địa bàn hiện rất thấp. Đơn cử, TPHCM có hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 102.000 cây xanh được đánh số, có địa chỉ. Trong khi đó, Singapore có diện tích hơn 1/3 diện tích của TPHCM và dân số chỉ hơn một nửa dân số của TPHCM nhưng có hơn 2 triệu cây xanh. Điều đó cho thấy, công viên cây xanh ở TPHCM là còn lạc hậu và TPHCM phải tham khảo kinh nghiệm này của Singapore. Ở trong nước, số lượng cây xanh được đánh số, có địa chỉ ở Hà Nội là hơn 1 triệu cây, gấp 10 lần TPHCM. |
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, để khắc phục hạn chế trên sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để TPHCM là một nơi phát triển, sống tốt thì không thể chấp nhận tình trạng như vừa qua. Đã đến lúc TPHCM phải quyết liệt thay đổi.
Công viên có nhiều chức năng, là nơi để người dân thể dục thể thao, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Ở Singapore, các công viên còn được kết nối với nhau bởi hành lang xanh. Các hành lang xanh này được quản lý như công viên cây xanh. Vì thế, từ trên không nhìn xuống, 40% diện tích của Singapore là những mảng xanh.
Từ thực tiễn này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các chuyên gia đến từ Singapore cũng như các chuyên gia khác chia sẻ kinh nghiệm, để TPHCM khắc phục yếu kém về công viên cây xanh trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cam kết, TPHCM quyết tâm thay đổi thực trạng hiện nay.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, sau 50 năm phấn đấu, Singapore có 2 triệu cây xanh. Vì thế, TPHCM cần đặt mục tiêu 25 năm tới, hình thành một chiến lược phát triển cây xanh TPHCM.
Cần giảm thiểu ánh sáng nhân tạo Liên quan đến chiếu sáng đô thị, một diễn giả nước ngoài cho biết, hiện nay đã có sự hội tụ của công nghệ thông tin và chiếu sáng đô thị. Chiếu sáng cũng trở thành một nền tảng cho nhiều ứng dụng thành phố thông minh. KTS Frédéric Auclair (chuyên gia đô thị từ Pháp) chia sẻ về một số giải pháp thông minh và kế hoạch chiếu sáng thông minh, lấy con người làm trung tâm. Việc này giúp giảm năng lượng tiêu thụ và giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Tương tự, GS-TS Joerg Baumeister (Đại học Griffith, Úc), nêu 8 quy tắc chiếu sáng đô thị và lưu ý TPHCM cần giảm thiểu ánh sáng nhân tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho hay, TPHCM đã chiếu sáng mỹ thuật trụ sở UBND TPHCM, Bưu điện TPHCM, bảo tàng. Sắp tới, TPHCM thực hiện chiếu sáng mỹ thuật tại các công trình điểm nhấn, góp phần tạo nét đẹp của thành phố. Tuy nhiên, TPHCM phải lập quy hoạch chiếu sáng đô thị rồi lên kế hoạch thực hiện theo lộ trình cụ thể. Từ đó, TPHCM sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư chiếu sáng các công trình, bảo tàng, tượng đài, kiến trúc điểm nhấn của TPHCM. |
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, phát triển công viên tại Singapore, ông Chuah Hock Seong, thành viên Ban Giám đốc Công viên Quốc gia Singapore, cho biết Singapore thuộc nhóm có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, 7.780 người/m2. Tuy nhiên, Singapore cũng được biết đến như là một “quốc gia xanh nhất", với khoảng 40% diện tích được bao phủ bởi cây xanh và 2 triệu cây xanh có tên, có số và lý lịch.
Có được kết quả này là quá trình 50 năm phát triển diện tích cây xanh. Công đầu thuộc về Thủ tướng Lý Quang Diệu, với tầm nhìn muốn đưa Singapore trở thành điểm làm việc, sinh sống trong môi trường lành mạnh nhất. Từ tầm nhìn này, ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Singapore lên kế hoạch thực hiện.
Để quản lý, bảo trì công viên, theo ông Chuah Hock Seong, Singapore dựa vào cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia. Theo đó, người dân không chỉ đến vui chơi, giải trí mà có thể tham gia trồng cây, chăm sóc cây xanh.
“Những mảng công viên cây xanh này phải dễ tiếp cận đối với người dân vì công viên là để phục vụ cộng đồng”, ông Chuah Hock Seong chia sẻ. Vì thế, ở bất kỳ nơi đâu, người dân Singapore chỉ cần đi bộ vài phút là đến được mảng xanh. Hiện nay, diện tích công viên ở Singapore đạt 0,8 ha/1.000 người và 80% cư dân ở Singapore chỉ cần đi bộ tối đa 8 phút là đến được công viên.
Giúp thắt chặt thêm mối quan hệ cộng đồng, các công viên thường xuyên có hoạt động văn hóa, chương tình biểu diễn, tổ chức sinh nhật... Công viên chỉ cho mở shop bán dụng cụ liên quan đến thể thao, hoạt động thể chất ngoài trời cho người dân. Công viên được xây dựng thân thiện, dễ tiếp cận với trẻ kém may mắn, trẻ khuyết tật.
Trên một bước “đô thị xanh” đã đạt được, ông Chuah Hock Seong cho biết, Singapore muốn trở thành một thành phố có hơi thở sinh thái. Nơi này không chỉ có cây xanh mà cây xanh phải có chim sinh sống, có động vật, sinh vật tự nhiên đến ở. Các động vật, sinh vật đó cũng được xem như "công dân" của Singapore.
Công viên lạc hậu, nâng cấp chắp vá TPHCM có tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, bình quân dân số cơ học tăng 1 triệu người/năm. Thế nhưng, số lượng, chỉ tiêu công viên, cây xanh của TPHCM hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và yêu cầu cơ bản của một đô thị phát triển hiện đại. Theo Sở Xây dựng, đa số công viên hiện nay đều được khai thác từ rất lâu, đã xuống cấp. Việc sửa chữa, nâng cấp nhìn mang tính tạm thời, chắp vá và thiếu định hướng chung. Các khu vực, không gian, tiện ích như sân sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em… chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu. Ngoài ra, chỉ tiêu đất công viên công cộng của TPHCM hiện nay quá kém xa với quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch chung. Cụ thể, diện tích cây xanh công viên thấp nhất cũng phải là 2 m2/người và cao nhất đến 15 m2/người. Số liệu thống kê đến cuối năm 2018, TPHCM có hơn 491 ha đất công viên, đạt 0,49 m2/người. Trong đó, nội thành cũ (gồm 13 quận) có 273 ha, đạt 0,67 m2/người. Khu vực quận mới (gồm 6 quận) có 172 ha, đạt 0,72 m2/người. Khu vực ngoại thành (5 huyện) có 46 ha, đạt 0,3 m2/người. |