Trong đợt dịch lần này, UBND quận Bình Tân cho biết, hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở đã tập trung vận động các nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho các hộ dân trong khu vực cách ly, phong tỏa và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí là hơn 4,3 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt là 518 triệu đồng, nhu yếu phẩm hơn 3,8 tỷ đồng (như: gạo, mì, trứng, dầu ăn, sữa, rau củ quả...). |
Trước giờ thiết lập chốt phong tỏa 3 khu phố ở phường An Lạc, đoàn kiểm tra việc lập chốt do ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân dẫn đầu đã đi kiểm tra, động việc lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt vừa thiết lập để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng đi với Bí thư Quận ủy quận Bình Tân còn có bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân.
Ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân đi kiểm tra, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt vừa thiết lập để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào tối 20-6. Ảnh: VĂN MINH
Cùng đi với Bí thư Quận ủy quận Bình Tân còn có bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân. Ảnh: VĂN MINH
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân cho biết, trong 3 ngày gần đây số lượng ca mắc Covid-19 trên địa bàn tăng lên rất nhiều, bình quận gần 30 ca mắc mỗi ngày. Điều này cho thấy công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra là kiểm soát kiềm chế gia tăng các ca mắc mới.
Do đó quận Bình Tân đã có báo cáo và đề xuất với lãnh đạo TPHCM nâng mức độ phòng, chống dịch lên bằng giãn cách xã hội ở một số khu vực “nóng” về dịch bệnh.
UBND TPHCM đã đồng ý và chỉ đạo về việc thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đối với khu phố 2, 3, 4 của phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) kể từ 0 giờ ngày 20-6-2021. Thời gian thực hiện phong tỏa là 14 ngày. Từ đó, quận Bình Tân tập trung thực hiện công việc phong tỏa 3 khu phố này để khoanh vùng, truy vết các trường hợp còn nghi mắc Covid-19.
Lực lượng làm nhiệm vụ chuẩn bị thiết lập chốt phong tỏa. Ảnh: VĂN MINH
Một chốt phong tỏa tại khu phố 2, phường An Lạc chuẩn bị hoạt động. Ảnh: VĂN MINH
Bí thư Quận uỷ quận Bình Tân cho biết, các vùng bị phong tỏa có số hộ dân bị ảnh hưởng là 17.441 hộ (55.931 người), có 306 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. “Do đó, để chuẩn bị thiết lập vùng phong tỏa, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tập trung nhân lực y tế, cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội… và huy động các phương tiện trang thiết bị khẩn trương thành lập, đưa các chốt vào hoạt động từ 0 giờ ngày 20-6”, ông Lê Văn Thinh cho biết.
Lo lắng việc thực hiện phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như các hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, Bí thư Quận uỷ quận Bình Tân cho biết, quận phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế, Công an và Bộ Tư lệnh TPHCM để đảm bảo an ninh trật tự ở các khu vực phong tỏa; kịp thời cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm lượng thực, thực phẩm đến người dân, không để người dân trong vùng phong tỏa thiếu thốn, gặp khó khăn trong những ngày phong tỏa.
Lực lượng y tế tại các chốt phong tỏa rạng 20-6. Ảnh: VĂN MINH
Đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, ông Lê Văn Thinh cho biết, trong thời gian qua, quận đã thực hiện đúng chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đối với những trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, quận Bình Tân sẽ kiên quyết xử lý và có biện pháp mạnh hơn, có thể yêu cầu ngừng hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch.
“Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn quận chấp hành đúng bộ tiêu chí mà TPHCM đưa ra trong quá trình hoạt động sản xuất, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ riêng khu vực phong tỏa đã có hơn 300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã vận động và tuyên truyền đến các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ chủ trương của TPHCM, của quận trong việc tập trung đối đa cho công tác phòng, chống dịch trong 14 ngày tới đây”, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân cho biết.
Nhà dân trong khu vực phong tỏa lúc rạng sáng 20-6. Ảnh: VĂN MINH
Đường phố trước giờ phong tỏa ở khu phố 3 phường An Lạc. Ảnh: VĂN MINH
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết thêm, để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND quận Bình Tân sẽ phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ cung ứng đầy đủ cho người dân. Đồng thời phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Tân và các đoàn thể cung ứng lương thực, hỗ trợ người dân, gia đình khó khăn trong khu vực phong tỏa nhằm nêu cao tinh thần “tương thân, tương ái” trong giai đoạn khó khăn này.
37 chốt phong tỏa đã thiết lập xong, đi vào hoạt động lúc 0 giờ ngày 20-6. Ảnh: VĂN MINH
Theo đó, người dân không rời khỏi khu vực phong toả trừ một số trường hợp khẩn cấp như đau ốm, bị đưa đi cách ly điều trị mắc Covid-19. Ảnh: VĂN MINH
Đối với các cửa hàng tiện ích, UBND quận sẽ cho tiếp tục hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và chỉ phục vụ người dân trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội; đồng thời chỉ chở hàng hóa, không chở người ra, vào khu vực giãn cách, mỗi lần ra vào đều phải khử trùng, sát khuẩn.