* Sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp hàng quí
Hội nghị có sự tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện; lãnh đạo VCCI tại Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố; đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp cùng 400 đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Bí thư thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nêu rõ, các kiến nghị của doanh nghiệp cần có câu trả lời rõ ràng và nhanh chóng, đề nghị các sở ban ngành được hay không thì trả lời nhanh, để mấy tháng là quá lâu. Mời doanh nghiệp cập nhật thông tin để hỏi và trả lời đầy đủ. Bên cạnh đó, thành phố trân trọng tiếp nhận các nội dung hiến kế của doanh nghiệp, qua đối thoại phải tạo được niềm tin cao giữa doanh nghiệp với chính quyền và nhân dân. Đây là dịp để các doanh nghiệp trực tiếp trao đổi với lãnh đạo thành phố nhằm hướng đến việc cùng tháo gỡ những khó khăn chung, đồng thời tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh để cùng thành phố tận dụng tốt "cơ hội vàng" của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 trong tháng 11 đến.
Qua tổng hợp của Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố, đã có 69 kiến nghị được gởi bằng văn bản cho lãnh đạo thành phố. Hầu hết đã được các cơ quan liên quan của thành phố trả lời, giải thích bằng văn bản. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thắc mắc, kiến nghị mà các DN cần được trực tiếp lãnh đạo thành phố trả lời thỏa đáng và rốt ráo.
Có 13 ý kiến phát biểu, kiến nghị của đại diện DN, trong đó đáng chú ý là ý kiến đại diện Hội Nữ doanh nghệp TP Đà Nẵng nêu tình trạng độc thân trong công nhân nữ, nên chăng có những thiết chế văn hóa cho nữ công nhân, tạo điều kiện cho nữ công nhân có môi trường giao tiếp, giảm độc thân. Có chính sách đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và phát huy hiệu quả chính sách cho phụ nữ hiện hành.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã trả lời, vấn đề quan tâm đến lao động nữ TP có cố gắng rất nhiều nhưng kết quả vẫn chưa đạt được cao. Đời sống công nhân nữ còn khó khăn. Việc xây các khu sinh hoạt cho công nhân, nhà trẻ, trường học, chợ… vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; lớn nhất là nhu cầu của công nhân nữ. Tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, TP đã xin chuyển Khu ký túc xá sinh viên hiện dôi dư thành nhà ở cho công nhân gặp nhiều khó khăn vì vướng vào chính sách của nhà nước. Phía ngành giáo dục đại học yêu cầu phải trả tiền lại mà TP không có tiền.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chia sẻ thêm, trong quá trình hoạt động của DN và quản lý nhà nước luôn phát sinh nhiều vấn đề thậm chí hàng tuần, hàng ngày. Thời gian chờ lãnh đạo cao nhất của thành phố giải quyết rốt ráo không phải lúc nào cũng thuận lợi cho DN. Do vậy, việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp công khai, tập trung như thế này là vô cùng cần thiết. Nhưng trịnh trọng quá, đông quá với vài trăm đại diện như cuộc gặp hôm nay có thể sẽ loãng. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị, Đà Nẵng sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp hàng quý; với phạm vi đối tượng DN có kiến nghị, có sự kiến kế… như vậy mới thiết thực.
Tham gia trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp có Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh; Giám đốc các sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Giao thông – Vận Tải, Sở Tài chính…
Đại diện Hội DN vừa và nhỏ Đà Nẵng nêu ý kiến, Hội đã có 9 kiến nghị gởi lãnh đạo TP trước buổi đối thoại, có 8 kiến nghị được trả lời nhưng chưa thỏa đáng, 1 kiến nghị còn đang xem xét. Trong đó vấn đề thuê đất đối với DN sản xuất là chưa thỏa đáng nhất. Đại diện một công ty Nhật Bản kinh doanh khu nghỉ dưỡng về việc mua xe về để chuyển khách. Đại diện Sở GT-VT Đà Nẵng cho biết, theo Nghị định 86 của Chính phủ, các doanh nghiệp trên 49% vốn nước ngoài sẽ không được phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách. Hiện Bộ GT-VT đang có chỉ đạo tham vấn các cơ quan liên quan để kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lanh, Phó Giám đốc Công ty SGM sản xuất găng tay bảo hộ lao động thắc mắc, công ty đã thanh toán đủ tiền thuê đất dài hạn và có sổ đỏ, nay nghe nói có sự di dời Khu công nghiệp An Dồn. Thông tin về di dời không cụ thể làm công nhân hoang mang đi tìm việc khác…
Đại điện Sở Xây dựng trả lời: Theo quyết định của Thủ tướng thì Khu công nghiệp An Đồn sẽ không còn tồn tại, cụ thể khi nào sẽ có quyết định rõ ràng sau, theo quy trình của Thủ tướng Chính phủ. Bí thư thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bổ sung, Khu CN An Đồn sẽ di dời, TP không cho thuê mới, không cho xây mới. DN chịu di dời lúc này sẽ được hỗ trợ, nhưng không cưỡng bức di dời. Giữa lòng TP không nên tồn tại khu CN như thế.
Đến 17 giờ 30, buổi đối thoại kết thúc, tuy nhiên có vẻ còn nhiều ý kiến muốn phát biểu từ các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố hứa sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ đối thoại thứ hai trong năm 2017 sớm nhất.