Bí thư chi bộ hiến đất “trồng người”

Bản Nậm Xái, xã Quang Phong, huyện miền núi - biên giới Quế Phong (tỉnh Nghệ An) xưa kia như biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngày ấy, người dân phải sống trong bóng tối: Không điện, và không biết chữ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Anh Lô Văn Quyền (Bí thư Chi bộ bản Nậm Xái) tại ngôi trường được dựng lên từ mảnh đất do anh hiến tặng
Anh Lô Văn Quyền (Bí thư Chi bộ bản Nậm Xái) tại ngôi trường được dựng lên từ mảnh đất do anh hiến tặng

Để mang được “con chữ” vào chốn “thâm sơn cùng cốc” này, ngoài sự chung tay của các cấp chính quyền và cộng đồng còn có đóng góp không nhỏ của anh Lô Văn Quyền (sinh năm 1981, Bí thư Chi bộ bản Nậm Xái).

Lô Văn Quyền kể, xưa kia nơi anh và dân bản Nậm Xái ở biệt lập với bên ngoài. Quả đồi nơi dân bản quần tụ có tên Bù Hủng, tiếng Thái có nghĩa là Đại Bàng. Nghe ông bà kể lại, ngày xưa nơi đây chỉ có đại bàng ở thôi, sau này mới có người. Đến nay, Nậm Xái có 89 hộ dân, 428 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái.

Khoảng 20 năm trở về trước, người dân Nậm Xái sống như cây rừng, thiếu thốn đủ thứ, từ điện, đường, thông tin, văn hóa,… và đặc biệt là “cái chữ”. Nếu muốn được đi học, bố mẹ phải đưa con mình men theo suối Nậm Xái và sông Quàng để tới trung tâm xã, đi cả buổi mới đến nơi. Nhưng, vì các con còn bé nên không bố mẹ nào nỡ đưa con đi xa nhà, gửi con ở lại, vì vậy các thế hệ lớn lên cứ thế… không biết chữ. Như bản thân Quyền, thật may mắn khi được bố mẹ gửi ra nhà bà con ở Cắm Muộn học, nên mới biết chữ. Đến năm 1998, một điểm trường được mở tại Nậm Xái, nhưng chỉ dạy đến lớp 3, ai muốn cho con học tiếp lại phải “cõng” ra trung tâm xã. Đến năm 2005 mới dạy lớp 4 và lớp 5; năm 2008 mới mở điểm trường mầm non.

Năm 2014, lúc này Quyền đang là Phó Bí thư Chi bộ kiêm Phó bản Nậm Xái. Cũng năm này, anh nghe tin một nhà tài trợ ở TP Vinh đang tìm hiểu để xây một điểm trường tiểu học tại Nậm Xái. Nghe tin anh rất mừng, vì điểm trường cũ bên suối Nậm Xái đã xuống cấp, những khi mưa lũ, các cháu và thầy cô không thể đến trường vì nguy hiểm. Nhưng, sau khi khảo sát, nhà tài trợ lắc đầu vì vị trí ở điểm trường cũ không đảm bảo yêu cầu. Biết thông tin này, Quyền ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, trong đầu vang lên suy nghĩ: Các cháu phải học nơi mất an toàn mà mình lại để mất gói tài trợ xây trường hơn 2 tỷ đồng. Đột nhiên trong đầu anh lóe lên, hay mình tặng mảnh đất để xây trường?

Từ khi có ý nghĩ ấy, cứ sáng sáng Quyền lại đứng dưới nhà nhìn lên đồi keo xanh mơn mởn. Mảnh đất trên đồi Bù Hủng của gia đình anh khá bằng phẳng so với các nơi khác. Năm 2012, gia đình anh bỏ ra 10 triệu đồng mua hơn 1.000 cây keo giống về trồng. Đến thời điểm ấy, keo được 2 năm tuổi, vì hợp đất nên phát triển rất nhanh. Thấy chồng suy tư, chị Vi Thị Lan, vợ anh gặng hỏi. Sau khi nghe anh phân tích, chị gật đầu đồng ý luôn. Vậy là gia đình anh quyết định hiến 3.650m2 đất và ngôi trường mới, đẹp đẽ khang trang đã “ở lại” với Nậm Xái.

Chúng tôi hỏi: “Hiến tặng mảnh đất lớn như vậy anh có tiếc không?”, Quyền thật thà: “Tiếc lắm chứ. Nhưng không cho thì thương các cháu. Thà mình mất cây mất đất nhưng được người, được nhiều người. Vì lợi ích trăm năm trồng người mà”. Năm 2017, lúc này Lô Văn Quyền đã làm Bí thư Chi bộ bản Nậm Xái. Cũng thời gian này, một nhà tài trợ ở Hà Nội muốn xây điểm trường mầm non tại bản. Quyền xin xã cho tận dụng mấy tấm tôn ở điểm trường mầm non cũ, đổi lại, anh tặng 500m2 đất ngay cạnh mảnh đất đã hiến để làm trường mới.

Ông Vi Thái Điệp, Bí thư Đảng ủy xã Quang Phong, cảm kích: “Việc anh Quyền hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng trường là một việc làm, một tấm gương tuyệt vời. Mặc dù sau khi hiến đất xong, anh Quyền đã không còn đất canh tác nữa nhưng anh và gia đình hoàn toàn tự nguyện, tất cả vì cái chung, vì các cháu học sinh, vì thế hệ tương lai của bản, của xã. Mong sao việc làm tốt của anh Quyền sẽ có sức lan tỏa lớn”.

Tin cùng chuyên mục