Sáng nay 16-1 tại Hà Nội, Tổng Cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị thông báo những kết quả kỷ lục về xuất khẩu thủy sản năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2017 là năm thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với 8,3 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm 2016. Giá trị sản xuất và sản lượng đều tăng góp phần đưa thủy sản xếp vị trí cao nhất trong những ngành xuất khẩu của nông nghiệp trong năm qua.
Về thuận lợi và khó khăn trong năm 2018, các đại biểu cho rằng, thị trường kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, khả năng tiêu dùng tăng cao, trong đó có sản phẩm thủy sản.
Tuy nhiên, ngành cũng gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu trong năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp; rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thức ăn nuôi thủy sản có nguồn gốc động vật và chống đánh bắt bắt cá trái phép…
Đáng lưu ý là việc Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng đối với thủy sản khai thác vào quý 3-2017, nếu không giải quyết những khuyến nghị mà EU đưa ra sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản là rất nặng nề, để đạt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt mục tiêu 40 tỷ USD trong năm nay, ngành thủy sản cần phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.
Những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay là ngành cần tập trung phát triển sản xuất ngay những tháng đầu năm, cùng với đó là hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2017.
Đồng thời hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục sự cố môi trường biển và hướng dẫn các địa phương khu vực vực Nam Trung bộ khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, bão cuối năm 2017 sớm ổn định sản xuất và cuộc sống.
Trong lĩnh vực khai thác không phải tăng về sản lượng mà kiểm soát tốt về năng lực khai thác, thậm chí có thể giảm sản lượng nhưng phải tăng về giá trị, được truy xuất về nguồn gốc, minh bạch hơn để đáp ứng yêu cầu về chống đánh bắt cá trái phép.
Về nuôi trồng phát huy các lợi thế nuôi tôm nước lợ, thâm canh công nghệ cao, khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhất, tăng sản lượng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao và đáp ứng an toàn thực phẩm. Chú trọng khâu con giống giúp hộ nuôi tôm quảng canh, nhất là tôm sú. Còn đối với cá tra thì tập trung vào khâu giống và thị trường.