Bí mật trong thung lũng

Ở vào tuổi xế chiều, ngòi bút của nhà văn Trung Trung Đỉnh bất ngờ chuyển hướng sang đối tượng thiếu nhi. Sau "Nàng tiên trong ống nứa ra mắt" không lâu, ông vừa tiếp tục giới thiệu tác "phẩm Bí mật trong thung lũng", do NXB Kim Đồng ấn hành.

Nhắc đến nhà văn Trung Trung Đỉnh, có lẽ không thể không nhắc đến những tác phẩm đã làm nên tên tuổi cho ông, như: Ngược chiều cái chết, Lời chào từ quá khứ, Tiễn biệt những ngày buồn, Lạc rừng, Lính trận, Những khoảnh khắc đời người, Sống khó hơn là chết...

Từng có những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên nên đa phần các tác phẩm của ông đều mang hơi thở của vùng đất này. Bí mật trong thung lũng dù dành cho đối tượng thiếu nhi nhưng cũng được xem như mạch tiếp nối về vùng đất Tây Nguyên .

Sau ngày miền Nam im tiếng súng, cuộc sống hòa bình, gia đình của cô bé Hiền chuyển từ Tây Nguyên về sinh sống ở miền biển, nơi có vùng cát trắng xóa. Nơi ấy cũng vừa trải qua chiến tranh, cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Bởi vậy, khi có chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới trên Tây Nguyên, gia đình Hiền lập tức đăng ký lên đường. Đó là một cuộc ra đi, nhưng với Hiền, đó cũng là một cuộc trở về - trở về với nơi cô bé được sinh ra.

Theo chân cô bé Hiền, người đọc dường như bị choáng ngợp với khung cảnh hùng vĩ nhưng cũng rất nên thơ của Tây Nguyên. Ở đó, sương ôm lấy núi, “mềm như những chiếc khăn bông mịn”. Những ngọn núi đứng trầm tư, “hiền lành như đang tận hưởng bàn tay dịu mát của sương mai ve vuốt”. Dưới chân núi là những vệt rừng già kéo dài, rồi những thung lũng hoa rực rỡ với đủ sắc màu của hoa muồng muồng, hoa pơ lang, hoa săng lẻ…

Ly kỳ và hấp dẫn hơn cả là những câu chuyện mang đậm không khí Tây Nguyên: truyền thuyết về hồ Đắk Xút, những câu chuyện được kể bởi cô giáo H’Lian, bởi bà H’Klin - người già nhất vùng núi Kon Phun với đặc tính kỳ lạ: răng tóc rụng hết lại mọc. Cùng với đó là “cuộc chiến” với đàn chim phá lúa của tổ thiếu niên Đ’Rao cũng thú vị vô cùng.

Bí mật trong thung lũng được nhà văn khởi viết từ tháng 7-1997 và kết thúc vào tháng 3-2023. Chỉ với một cuốn sách nhỏ nhưng nhà văn Trung Trung Đỉnh đã khéo léo tái hiện cảnh sắc, phong tục, tập tính, văn hóa của người đồng bào ở Tây Nguyên. Sức cuốn hút của tác phẩm cũng chính là ở chỗ đó: một câu chuyện vừa mang tính chất dân gian, huyền ảo, lại vừa là hiện thực cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục