Bí mật sao chổi

Bí mật của sự sống trên Trái đất

Bí mật của sự sống trên Trái đất

Sự xuất hiện sao chổi là một trong những hiện tượng chứa đựng nhiều bí ẩn nhất trong thiên nhiên. Vài sao chổi xuất hiện khá đều đặn nhưng cũng có sao chổi chỉ quay lại cho chúng ta ngắm sau thời gian lang thang trong vũ trụ hàng triệu năm.

Sao chổi có mang đến điềm xấu như vẫn thường được tưởng? Sứ mạng bắn phá một sao chổi của tàu Deep Impact thực hiện ngày 4-7-2005 vừa qua cũng nhằm tìm hiểu thêm về bí ẩn sao chổi cũng như nhiều điều khác liên quan Thái dương hệ...

  • Nguồn gốc của sự sống?

Từ đỉnh Kitt (Arizona – Mỹ), sao chổi Hale-Bopp trông thật huyền ảo. Cái đuôi của nó uốn cong như bị gió lay động. Bầu trời màu chàm rồi đổi sang đen sẫm. Trên màn đen mênh mông đó, Hale-Bopp dường như trong suốt với màu xanh dương. Là một trong những sao chổi sáng nhất, người ta có thể thấy Hale-Bopp suốt nhiều tháng.

Bí mật của sự sống trên Trái đất ảnh 1

Sao chổi thật ra là khối đất đá đóng băng lưu giữ nhiều vết tích thời kiến tạo Thái dương hệ

Hầu hết sao chổi có thể thấy được qua kính viễn vọng nhưng thỉnh thoảng cũng có sao chổi nhìn ngắm được bằng mắt thường. Trái đất từng chứng kiến hai sao chổi như thế. Sao chổi Hyakutake xuất hiện năm 1996 có cái đuôi dài kỷ lục. Hale-Bopp xuất hiện năm 1997 có cái đầu cực sáng, gần bằng ngôi sao Sirius.

Vài thập niên qua, sao chổi liên tục xuất hiện trên bầu trời Trái đất. Năm 1973-1974: sao chổi Kohoutek; năm 1976 - sao chổi West; năm 1986 - sao chổi Halley; năm 1994 - sao chổi Shoemaker-Levy 6 va chạm Mộc tinh.

Sao chổi là những mảnh vụn bị bỏ rơi, không thể tạo thành hành tinh trong quá trình kiến tạo của hệ Mặt trời. Các nhà thiên văn học cho rằng Hệ Mặt trời từng có lúc chứa đầy nhân sao chổi, các đụn băng và bụi khổng lồ còn sót lại từ quá trình hình thành Mặt trời. Hầu hết đụn đó gắn kết lại với nhau để tạo ra hành tinh, bỏ lại những mảnh vụn có nhiệt độ khoảng 200 độ C.

Các mảnh vụn này thoạt đầu di chuyển trên quỹ đạo cố định nhưng sau đó chệch hướng bởi ảnh hưởng lực hút của đám hành tinh quanh chúng. Dần dần, các mảnh vụn giá lạnh này - gọi bằng cái tên mới là quả cầu tuyết - bị Mặt trời hút mạnh. Khi bị sức nóng Mặt trời nung, quả cầu tuyết - tức sao chổi - làm thoát ra khí từ trong ruột lên bề mặt.

Bụi trên sao chổi bị tốc ra và bị đẩy về phía sau bởi sức ép bốc từ hướng Mặt trời thổi lại. Đám bụi này dạt xuống như dòng chảy, trông giống như cái đuôi của sao chổi. Lúc này, sao chổi bắt đầu biến thành một trong những vật thể di chuyển nhanh nhất Hệ Mặt trời, đạt đến vận tốc 160.000 km/giờ và cái đuôi có thể dài khoảng 150 triệu km (tức một đơn vị thiên văn – astronomical unit)!

Sao chổi lướt vòng qua Mặt trời để thực hiện chuyến du hành trong bóng đêm và sau đó chương trình biểu diễn kết thúc. Định luật hấp dẫn buộc nó phải quay trở về. Cứ mỗi lần ghé qua thăm Mặt trời, sao chổi mất dần lớp băng của mình. Cuối cùng, nó trở thành bóng ma. Ngày huy hoàng của nó biến mất vĩnh viễn...

Kính viễn vọng trên đỉnh Kitt (Mỹ) có thể xoay theo hướng chuyển dịch của Mặt trời. Năm 1973, hai nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin nảy ra ý kiến sử dụng kính viễn vọng Kitt để theo dõi dấu vết sao chổi Kohoutek. Ngoài khí hydro và oxy tìm thấy rất nhiều trong băng sao chổi, các nhà thiên văn cho rằng sao chổi còn chứa carbon monoxide.

Khoảng hơn 20 phân tử carbon đã được phát hiện trong sao chổi Hale-Bopp, cùng với dấu vết của khí nitơ, sodium và sulfur. Các chất khí trên Hale-Bopp mà người ta tìm ra trong thời gian gần đây đã củng cố giả thuyết rằng những thành phần tạo sự sống trên Trái đất đã được mang xuống bởi sao chổi.

Nhà khoa học Frank Scherb cho rằng sở dĩ đuôi của Hale-Bopp trông như đóa hoa xanh trong vắt vì “đó là cái đuôi ion”. Scherb giải thích: “Khi nước thoát lên bề mặt sao chổi, bức xạ Mặt trời tước mất một electron từ các phân tử nước, tạo ra những phân tử tích điện. Những ion này lại bị gió Mặt trời cuốn lên. Như thế, cái đuôi ion được hình thành”.

Ron Oliversen thuộc NASA hy vọng rằng có thể nghiên cứu đuôi ion của sao chổi để “dự báo khí tượng” hệ Mặt trời. Sao chổi Hale-Bopp được phát hiện như thế nào? Đêm hôm đó, 23-7-1995, Alan Hale nhìn thấy một vật thể kỳ lạ khi đang quan sát một chòm sao.

Kiểm tra bản đồ sao, Hale không thấy có ngôi sao nào ở vị trí đó. Thế hẳn là sao chổi rồi! Là nhà thiên văn từng quan sát 200 sao chổi, Hale biết mình phải làm gì. Ông lập tức gửi e-mail cho Trung tâm điện tín thiên văn ở Cambridge (bang Massachusetts) để đăng ký phát hiện.

Lúc đó, sao chổi này được đặt tên là C/1995 O1. Nhưng Hale không phải là người duy nhất khám phá ngôi sao chổi đó. Cũng trong đêm ấy, cách chỗ Hale khoảng 640km, Tom Bopp nhìn thấy ngôi sao chổi qua kính viễn vọng tại một đài quan sát ở sa mạc ngoài Phoenix (bang Arizona). Biết là phải báo ngay cho Trung tâm điện tín và Bopp quay về nhà để lấy địa chỉ. Như vậy, cuối cùng, có hai người cùng lúc phát hiện ngôi sao chổi trong đêm 23-7-1995. Tên C/1995 O1 được đổi thành Hale-Bopp.

  • Huyền thoại và nguy cơ

Bí mật của sự sống trên Trái đất ảnh 2

Cái đuôi của sao chổi có thể dài đến 150 triệu km!

Có những chuyện kỳ quặc quanh sự xuất hiện sao chổi. Khi một sao chổi xuất hiện năm 60 (sau Công nguyên), dân La Mã cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của ngai vàng vua Nero Claudius Caesar. Nero hoảng sợ và phản ứng bằng cách lưu đày một đối thủ chính trị.

Bốn năm sau, lại một sao chổi nữa xuất hiện, Nero lo lắng và cuối cùng không biết làm gì hơn là ra lệnh giết chết hàng chục nhà quí tộc. Một số sách sử cũng viết rằng việc vua Moctezuma II thấy sao chổi vào năm 1517 là điềm gở báo trước sự sụp đổ của đế chế Aztec (bị nhà chinh phục Tây Ban Nha Hernán Cortés xâm chiếm và lật đổ năm 1521).

Năm 1910, cả thế giới bị một phen hoảng vía khi nghe đồn đuôi sao chổi Halley quét vào Trái đất. Riêng Tom Bopp, gia đình ông cũng gặp sự cố không hay: anh và chị dâu của ông bị xe đụng chết khi ra ngoài chụp hình ngôi sao chổi mà ông phát hiện...

Gene Shoemaker (cùng vợ mình là Carolyn và nhà thiên văn David Levy chuyên nghiên cứu sao chổi) đã bị tai nạn xe chết tại Úc vào tháng 7-1997. Phải chăng vài mẩu chuyện vừa kể có liên quan đến những “lời nguyền” bí ẩn nào đó hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên?

Chu kỳ xuất hiện của sao chổi không ổn định. Sao Hale-Bopp có chu kỳ 4.200 năm nhưng do lực hút của Mộc tinh nên chu kỳ này giảm xuống còn 2.400 năm. Thỉnh thoảng, một sao chổi chẳng hạn như Shoemaker-Levy 9 có thể đột nhập vào quỹ đạo Mộc tinh và đóng vai trò như mặt trăng.

Vài sao chổi khác thì thoát khỏi quỹ đạo Mộc tinh để trở lại Mặt trời. Một trong những hiện tượng thường thấy nhất ở sao chổi là đụng vào các vật thể khác. Cú chạm vào Trái đất lần cuối cùng xảy ra cách đây khoảng 65 triệu năm. Có thể thủ phạm khủng bố là sao chổi nhưng cũng có thể là hành tinh nhỏ nào đó.

Cú va đập kinh thiên động địa này tạo ra một hố khổng lồ ở địa điểm ngày nay là bán đảo Yucatán (gần vịnh Mexico), làm tung lên không trung đám mây bụi và khí, khiến Mặt trời bị che trong nhiều năm liền. Hậu quả là nhiệt độ trên Trái đất giảm, sinh vật lần lượt chết, kể cả khủng long to xác.

Tuy nhiên, nhiều loài thú có vú sống sót được... Khó có thể tưởng tượng nếu Trái đất bị sao chổi va phải. Tháng 5-1983, sao chổi IRAS-Araki-Alcock cách Trái đất khoảng 4,8 triệu km. Riêng Hale-Bopp, khoảng cách tiếp cận gần nhất với Trái đất là 197 triệu km.

Nếu Hale-Bopp đến trước bốn tháng, nó có thể cách Trái đất 17,7 triệu km, chiếu sáng gấp 50 lần và có thể nhìn thấy được cả vào ban ngày trong suốt một tuần. Bằng kỹ thuật máy tính, các nhà khoa học cho biết nếu một sao chổi rớt xuống một vùng biển nào đó trên Trái đất, một năng lượng kinh khủng tương đương 300 tỉ tấn TNT sẽ bùng lên, toàn bộ khí hậu và môi trường Trái đất bị biến đổi dữ dội.

Các nhà thiên văn cho biết thêm rằng họ từng phát hiện 120 hành tinh đá to từ 600m trở lên và khoảng 500 sao chổi đã lướt ngang quỹ đạo Trái đất. Tính đến tháng 6-2005, giới thiên văn học đã phát hiện gần 1.000 sao chổi.

(Tổng hợp từ Wikipedia, Space.com)

ANH VŨ

Tin cùng chuyên mục