Tôi đi bộ đội từ năm 1962, đến tháng 7-1975 thì chuyển qua ngành công an. Tháng 8-1985, tôi bị kỷ luật, buộc thôi việc về địa phương. Vậy tôi có được hưởng chế độ gì không? Nếu được, thì cần phải làm gì, gặp ai, cơ quan nào? (B.V.K., quận 1, TPHCM)
Về chế độ BHXH, theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật BHXH năm 2014, việc tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân. Theo đó, điểm b khoản 14 Mục II Thông tư số 13/NV ngày 4-9-1972 của Bộ Nội vụ, có hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước, quy định: những trường hợp đã bị kỷ luật buộc phải thôi việc và sau được trở lại làm việc thì không được tính thời gian công tác trước đó.
Tại điểm 9 Thông tư số 02/TT ngày 2-5-1975 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Quyết định số 47/CP ngày 21-2-1975 của Hội đồng Chính phủ quy định: cán bộ an ninh nhân dân, cảnh sát nhân dân sai phạm kỷ luật phải chuyển ngành, cho thôi việc thì không được hưởng chế độ chuyển ngành, phục viên. Như vậy, do ông thuộc trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc trước tháng 1-1995 nên thời gian công tác từ năm 1962-1985 không được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước.
Về chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 41/2014 của liên bộ Y tế, Tài chính và Điều 2, Điều 4 Thông tư số 25/2016 của Bộ LĐTB-XH, thì người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được ngân sách nhà nước đóng BHYT, được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Trường hợp của ông, ông đi bộ đội từ năm 1962, nếu ông thuộc đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đề nghị ông liên hệ với UBND phường/xã để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT theo đúng đối tượng quy định.
Tôi nguyên là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 5, quận Tân Bình từ năm 2008 đến tháng 4-2017. Trong sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), tôi được chốt thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 7 năm (2009-2015). Khi tôi thôi việc thì được thông báo rằng: do tôi chỉ đóng BHTN đến hết năm 2015, không phải đóng hết tháng liền kề với tháng thôi việc nên không được hưởng BHTN. Bản thân tôi là cán bộ không chuyên trách của phường, việc đóng BHTN là do cơ quan BHXH quy định và đến năm 2015 không đóng BHTN cũng do cơ quan BHXH quyết định chứ tôi không tự ý đóng hay không đóng. Vậy mà giờ đây tôi không được hưởng phần BHTN. Như thế, phần tiền đó đi về đâu, phục vụ ai? (HUỲNH THANH VIỆT, quận Tân Bình, TPHCM)
Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Người tham gia BHTN nếu chưa đủ điều kiện hưởng theo quy định của pháp luật thì thời gian tham gia BHTN sẽ được bảo lưu trên sổ BHXH và sẽ được cộng nối để tính là thời gian tham gia BHTN cho lần hưởng sau. Tiền tham gia BHTN của người lao động, người sử dụng lao động được chuyển về quỹ BHTN. Theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Việc làm, quỹ BHTN được dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, trả tiền mua thẻ bảo hiểm y tế… trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Quốc hội đã thông qua nghị quyết đồng ý để Chính phủ hỗ trợ lao động nữ được nghỉ hưu từ 1-1-2018, để giúp chị em phụ nữ nghỉ hưu đỡ thiệt thòi. Vậy điều này bao giờ thì thực hiện? Cuối năm nay tôi nghỉ hưu, nếu vẫn áp dụng theo quy định mới, chưa thực hiện theo nghị quyết mà Quốc hội thông qua, thì sau này phần chênh lệch do chính sách thay đổi đó, tôi có được truy lãnh không? (NGUYỄN THỊ LAN ANH, quận 3, TPHCM)
Theo thông tin cơ quan BHXH được biết, đã có dự thảo nghị định của Chính phủ để xử lý lại cách tính lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ tháng 1-2018 trở đi. Hiện nay, cơ quan BHXH cũng đang chờ văn bản này để thực hiện điều chỉnh. Nếu bà nghỉ hưu cuối năm 2018 mà giả sử tại thời điểm giải quyết nghị định chưa có thì vẫn được điều chỉnh hồi tố lại lương hưu.