Giữ nhịp giữa bối cảnh thị trường đầy thách thức
Nửa đầu năm 2024 tiếp tục được đánh giá là giai đoạn khó khăn với các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, trong báo cáo về tình hình hoạt động của hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, những tháng đầu năm 2024, tình hình chính trị thế giới không có nhiều thay đổi tích cực đã khiến nhu cầu tiêu dùng thế giới bị thu hẹp, khiến cho thị trường xuất khẩu của các DN Việt ảnh hưởng đáng kể.
Ở trong nước, theo HUBA, Chính phủ và các bộ ngành đã ra nhiều chính sách và nỗ lực cải cách hành chính nhằm hỗ trợ DN, song do thị trường chung bị suy giảm nên hầu hết DN vẫn đang phải vật lộn trong tình trạng khó khăn. Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang đã tạo áp lực đáng kể cho DN Việt. Không những thế, trào lưu quảng cáo bán hàng trực tuyến (livestream) không kiểm soát hiện nay được cho là đang đe dọa và bóp nghẹt không gian sinh tồn của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, phá vỡ tiêu chuẩn giá cả truyền thống, chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho mà hầu như không thu được lợi nhuận, không có sự đảm bảo chất lượng và phổ biến nhất là tình trạng không nộp thuế.
Giữa bối cảnh đầy thách thức nói trên, nhiều DN sản xuất Việt đã có những giải pháp riêng và lội ngược dòng. Đơn cử là các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SATRA) như Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) và Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec).
Trong đó, ở mảng xuất khẩu, Cofidec là một điển hình bởi DN này xuất hàng qua 2 thị trường chính là Nhật Bản và Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 90%), song cả hai quốc gia này đều đang bị ảnh hưởng lớn do kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ giá đồng yen và đồng won liên tiếp suy yếu. “Những yếu tố trên dẫn tới việc người dân Nhật Bản thắt chặt chi tiêu, kéo theo các đơn hàng của Cofidec có xu hướng bị giảm dần. Còn tại Hàn Quốc, tình trạng cạnh tranh gay gắt về thị phần với các đối thủ cùng những cuộc đua giảm giá cũng là nguyên nhân làm giảm lượng đặt hàng của chúng tôi”, đại diện Công ty Cofidec chia sẻ.
Không chỉ vậy, ở nội địa, Cofidec cũng gặp sự cạnh tranh không nhỏ về giá với các nhà sản xuất khác, trong khi thói quen tiêu dùng của người Việt chưa sẵn sàng chi trả cao cho sản phẩm đông lạnh và hàng đã qua sơ chế, từ đó khiến sản phẩm của Cofidec khó chen chân vào siêu thị. “Để tìm ra bài toán khắc phục khó khăn, chúng tôi đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, cải tiến, in ấn mẫu mã bao bì mới, đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt các kênh siêu thị lớn SATRA, Aeon, Big C, Emart…; đồng thời tăng cường thêm các chương trình dùng thử (sampling), tham gia các hội chợ nhằm nâng cao nhận diện hình ảnh, thương hiệu Cofidec Foods, góp phần tăng doanh thu. Với những nỗ lực này, ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm của chúng tôi đạt hơn 50% kế hoạch năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cũng đạt hơn 50% kế hoạch”, đại diện Cofidec cho biết.
Còn với Công ty VISSAN, theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc công ty, trong 6 tháng đầu năm nay, dù điều kiện khách quan có nhiều yếu tố bất lợi nhưng Ban Tổng giám đốc và người lao động VISSAN đã quyết tâm cao và nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động bám sát tình hình thị trường, duy trì và tổ chức tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhờ vậy, theo ông An, các kế hoạch kinh doanh của VISSAN vẫn phát triển theo mục tiêu đề ra. Cụ thể, đơn vị đã mở mới 171 điểm bán hàng; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, phục vụ tốt người tiêu dùng và tham gia tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường thành phố…, từ đó góp phần đạt tổng doanh thu trên 1.574 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận đạt trên 69,5 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 481.000 USD.
Tiếp tục đổi mới để hoàn thành các mục tiêu
Theo đánh giá của các DN, dù đạt được kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, nhưng những tháng cuối năm DN vẫn còn đối diện nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt, đối với ngành sản xuất thực phẩm, thị trường đang có xu hướng tăng cường sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm bởi người tiêu dùng ngày càng có những yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Do đó, ông Nguyễn Ngọc An cho biết, trong những tháng cuối năm 2024, Công ty VISSAN sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất bằng cách thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, tiếp tục xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm bảo đảm nguồn heo hơi ổn định, kiểm soát chất lượng và giá cả cạnh tranh trong dài hạn; tiếp tục rà soát toàn bộ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, nghiên cứu thay thế nguyên phụ liệu có giá cao hoặc khả năng cung ứng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan.
Còn theo Cofidec, để duy trì kết quả kinh doanh khả quan, công ty đã đưa ra giải pháp ngắn hạn trong hoạt động sản xuất, đó là áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, cải thiện chuỗi cung ứng. Cùng đó, ban lãnh đạo cũng tìm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, tăng cường công tác quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất, dịch vụ.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào giữ chân khách hàng hiện tại và phát triển thêm mặt hàng mới như đậu nành lông, khoai lang, bí đỏ luộc, hành xào… phát triển các sản phẩm rau củ quả nướng (như bắp non, khoai lang, ớt chuông, bí ngòi…). Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng sản lượng bán hàng đối với các mặt hàng truyền thống, làm việc chặt chẽ với khách hàng trong các phiên đấu giá định kỳ tại các thị trường truyền thống để cùng nhau giải quyết kịp thời thông tin giá cả, cách thức tiếp nhận đơn hàng mới”, đại diện Cofidec cho biết thêm.