
Chỉ trong 2 năm 2007 và 2008, trong một làng mà có đến hơn 400 nông dân chỉ quen chân lấm tay bùn, thậm chí cả đời còn chưa từng đi ra khỏi lũy tre làng, bỗng dưng trở thành giám đốc. Những giám đốc chưa hề cầm trong tay vài triệu đồng nhưng lại ký các phiếu chi hàng tỷ đồng?!
Vụ việc bị vỡ lở, gần 200 “giám đốc” phải bỏ làng trốn đi nơi khác, hơn 10 giám đốc ngồi tù vì buôn bán, xuất hóa đơn “ma”, hóa đơn “khống” và hàng chục “giám đốc” khác đang bị cơ quan điều tra truy nã.
Nằm liệt giường cũng thành giám đốc
Có lẽ, đến nay 4 ngôi làng: Phú La, Dưỡng Phú, Hà Nhuận và Tỉnh Thủy (thuộc xã An Hòa huyện An Dương ngoại ô TP Hải Phòng) đang là nơi có nhiều giám đốc “chân đất” nhất nước.

“Giám đốc” Lê Văn Vẩy, 52 tuổi.
Việc “cả làng làm giám đốc” ở Hải Phòng chỉ bắt đầu bị bại lộ khi cơ quan điều tra thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành điều tra chuyên án vận chuyển và buôn bán than lậu từ Quảng Ninh sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, để hợp thức hóa số than lậu qua cửa khẩu Vạn Gia (Móng Cái, Quảng Ninh), các doanh nghiệp buôn than đã dùng hàng loạt hóa đơn “ma” của các công ty vừa được thành lập cấp tốc trong năm 2008, ở xã An Hòa.
Thế nhưng khi cơ quan điều tra - lần theo dấu vết các hóa đơn ký khống - ập vào nhà kiểm tra thì các “giám đốc chân đất” mới té ngửa về chuyện “công ty mình” đang làm ăn bất chính. Và cũng đến lúc ấy, họ mới biết có những giám đốc ở làng bên đã vào tù từ 4-5 năm trước, thậm chí có những người bỏ trốn đã lâu. Tệ hơn, có người còn bị liệt nửa người chỉ nằm một chỗ, chữ nghĩa không rành nhưng cũng đã trở thành một giám đốc của một công ty mà chính ông ta cũng chẳng biết trụ sở công ty ở đâu, làm ăn thế nào, có những ai...
Điển hình là “giám đốc” Lê Văn Vẩy, 52 tuổi, nhà ở thôn Hà Nhuận 3. Chúng tôi bước vào căn nhà tối om, nhìn mãi mới thấy “giám đốc” Vẩy nằm còng queo ở trên giường. Khi hỏi vì sao một người tàn tật như ông lại có thể trở thành giám đốc một công ty có số vốn lên tới hàng tỷ đồng, ông Lê Văn Vùng (em trai ông Vẩy), bắt đầu bằng giọng kể “tức tưởi”: “Cơ khổ. Anh em chúng tôi bị chúng nó lừa đấy các anh ạ…”.
Theo ông Vùng, ông Vẩy (sinh 1956), năm 1972 không may bị trúng bom, liệt nửa người. Từ đó đến nay, chẳng khi nào ông ra khỏi chiếc giường ọp ẹp. Tháng 6-2007, có một vị khách lạ tìm đến tận nhà “vận động” ông nhận lời làm… giám đốc. Theo họ, nếu nhận lời làm giám đốc thuê cho một công ty thì lương của ông sẽ là 2 triệu đồng/tháng.
Ông Vẩy nằm mơ cũng chẳng bao giờ nghĩ được “chỉ nằm bất động trên giường” như ông mà cũng được làm “giám đốc” với số lương quá hậu hĩnh như thế. Sau đó, ông đã lén gia đình nộp cho anh ta cuốn sổ hộ khẩu và tấm CMND. Chỉ sau một ngày, ông Vẩy đã trở thành giám đốc với con dấu khắc tên ông “đỏ chóe”.
Đều đặn mỗi tháng “giám đốc” Vẩy lãnh được 2 triệu đồng và ông thầm mong ước “công ty của mình” ngày càng ăn nên làm ra. Nhưng “giấc mộng đẹp” của ông Vẩy chỉ kéo dài đến một ngày đầu tháng 6-2008. Cơ quan công an đã “tá hỏa” khi tiếp xúc giám đốc Vẩy đang nằm bẹp trên giường, nói năng ngọng nghịu.
Đua nhau làm giám đốc “hờ”
Khi có nhiều đoàn kiểm tra mặc sắc phục công an đến làm việc, thậm chí còng tay nhiều “giám đốc” đang làm ruộng mang đi thì cả xã An Hòa mới nhận ra rằng - việc họ đang làm là vô cùng nghiêm trọng. Theo ông Trương Văn Dũng, Trưởng Công an xã An Hòa – trên địa bàn xã có hơn 10 người vì làm giám đốc “hờ” mà bị bắt. Hàng trăm giám đốc khác vì trót ăn “lương” của những công ty “trời ơi đất hỡi”, khi vụ việc bị vỡ lở, đã bỏ làng xóm, mẹ cha, vợ con trốn đi biệt tích.
Phần lớn công ty của những giám đốc “hờ” này đều dính vào việc bán hóa đơn “ma”, xuất hóa đơn “khống”, chiếm đoạt nguồn thuế VAT. Ở quê, chuyện một người vì làm giám đốc thuê cho một công ty làm ăn “ma” mà bị bắt tạm giam hay bị điều tra, truy nã là việc rất tày đình. Cho đến bây giờ, hàng trăm thân nhân của những “giám đốc không ngai” ở xã An Hòa vẫn ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm thấp thỏm, hoảng sợ như vừa bị một cơn bão dữ quét qua làng.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Chuyển, 77 tuổi, ở thôn Ngọ Dương 2, mẹ của vị “giám đốc” trẻ Lưu Văn Nhân (sinh năm 1977), cũng bị cơ quan điều tra bắt tạm giam vì làm giám đốc “hờ”. Mỗi ngày 3 lần, bà đi khắp từ nhà ra sân để thắp hương cầu khấn Phật, trời giúp cho con bà “tai qua nạn khỏi”, không phải ngồi tù. Tưởng chúng tôi là công an, bà than khóc: “Khi được người ta đến tận nhà thuê hắn làm giám đốc, chúng tôi tưởng công ty í làm ăn đàng hoàng, chính đáng. Nào ngờ con tôi bị người ta lừa (?!)”. Bà Đồng Thị An, 75 tuổi, ở thôn Hà Nhuận 4, cũng đang khóc lóc vì việc con trai bà là “giám đốc” Ngô Văn Trình (sinh 1964), vừa bị bắt tạm giam khi công ty do anh ta được thuê làm chủ có dính líu đến buôn bán hóa đơn “ma”.
Theo ông Ngô Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa - nhà ông Vẩy là hộ tàn tật nghèo, địa phương vừa xóa nhà tranh cho ông xong. Thế nhưng không hiểu sao những kẻ môi giới lại “phù phép” cho một người tàn tật như ông Vẩy trở thành giám đốc một công ty với số vốn điều lệ lên tới 1,2 tỷ đồng?
**
Theo ông Tuấn, phần lớn đội quân “giám đốc 2 triệu đồng” là người xã An Hòa đều làm giám đốc thuê cho các công ty “ma” được mở ở địa phương khác. Ngược lại, các công ty “ma” ở nơi khác lại đến xã An Hòa để thuê nhà dân ở đây làm trụ sở. Sau một thời gian thấy “nghề” giám đốc thuê có vẻ ăn nên làm ra, một số người dân xã An Hòa cũng tự đứng ra lập công ty “ma” tại gia đình và đi săn lùng, tìm thuê “giám đốc chân đất” ở nơi khác.
Thông thường, những công ty “ma” của họ ra đời rất nhanh và biến mất cũng rất chóng vánh. Chỉ cần có sổ hộ khẩu và tấm CMND là một chức danh “giám đốc” xuất hiện. Mục đích của các công ty này được lập ra không phải để sản xuất kinh doanh mà chỉ để cung cấp nguồn hóa đơn thuế GTGT “ma”, phục vụ việc hợp thức hóa việc mua bán than lậu ở vùng mỏ Quảng Ninh.
Bi kịch của việc “mua quan bán chức” ở những làng quê này lại ở chỗ, những người được thuê làm giám đốc đều là người dân nghèo, vẫn còn ở nhà cấp 4, có người chỉ mới học đến lớp 4, thậm chí có người không hề biết chữ và nghiêm trọng hơn có người nằm liệt giường liệt chiếu vẫn cứ là giám đốc ký hàng tỷ đồng buôn bán than lậu qua biên giới, hàng năm qua.
Hậu quả về kinh tế do những “công ty ma” ở Hải Phòng gây ra như thế nào đang được cơ quan điều tra chuyên án buôn lậu than làm rõ. Còn về mặt xã hội, chỉ cần nhìn khung cảnh xơ xác, đìu hiu của làng quê An Hòa, nơi vốn dĩ rất yên bình, người nông dân chỉ quen cày sâu cuốc bẫm nhưng đã bị kéo vào những hoạt động làm ăn phi pháp do các “công ty ma” để lại là biết hậu quả không hề nhỏ. Một bài học thật thấm thía!
VĂN PHÚC HẬU