Tuy nhiên, trước tình trạng đơn vị cung cấp khí “dọa” cắt giảm nguồn cung CNG, chủ trương trên của TPHCM có thể bị ngưng và những xe đã được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Vừa chạy, vừa lo
Thời gian qua, việc chuyển đổi xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel sang xe buýt sử dụng khí CNG đã mang lại hiệu quả nhất định về mặt kinh tế, môi trường cho thành phố.
Tuy nhiên, cuối tháng 5 vừa qua, Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam thông báo dự kiến giảm 20% - 30% lượng khí CNG cung cấp cho xe buýt TP trong các tháng còn lại của năm 2019, để ưu tiên cấp khí cho ngành điện. Nếu trường hợp này xảy ra, công ty sẽ thông báo trước 2 giờ để TPHCM điều chỉnh kế hoạch vận hành các xe buýt cho phù hợp.
Không chỉ dự kiến giảm nguồn cung, trước đó Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam chi nhánh Đồng Nai còn gửi “thông báo khẩn” cho một số đơn vị xe buýt TPHCM cho biết, nếu không ký hợp đồng theo công thức mới (dự kiến tăng giá) sẽ ngưng cung cấp nhiên liệu. Không có đơn vị cung cấp khí gas nào khác, các đơn vị xe buýt buộc phải lại ký hợp đồng.
Đồng thời cũng kiến nghị Tổng công ty Khí Việt Nam xem xét báo cáo Tập đoàn Dầu khí quốc gia chấp thuận dành một lượng khí ổn định ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng TPHCM với giá tương đương dành cho sản xuất điện.
Độc quyền nên làm giá?
Theo lộ trình đầu tư đổi mới xe buýt của TPHCM trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, cần đầu tư mới 3.121 xe buýt, trong đó xe sử dụng nhiên liệu sạch dự kiến chiếm 75%. Hiện, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, TP có 2.457 xe buýt đang hoạt động chở khách, trong đó có 428 xe sử dụng khí CNG.
Nhiều năm qua, cả TPHCM lại chỉ có một đơn vị cung cấp khí CNG cho xe buýt là Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam. Nhiều đơn vị vận tải xe buýt ngay từ khi triển khai đề án chuyển đổi xe buýt sử dụng dầu sang CNG đã rất băn khoăn đến việc chỉ có một nhà cung cấp nhiên liệu. Để trấn an, tại thời điểm đó, Sở GTVT TPHCM đã cam kết sẽ làm việc với các đơn vị cung cấp khí để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, không rõ lý do gì, thực tế diễn ra lại không phải như vậy.
Theo các chuyên gia về vận tải, Sở GTVT TPHCM phải làm việc ngay với nhà cung cấp hiện tại để làm rõ các vấn đề. Thậm chí, TPHCM cần có cơ chế mở rộng, tìm kiếm thêm 2-3 nhà cung cấp, mời họ cùng tham gia để tránh bị lệ thuộc vào nguồn cung ứng CNG của Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam.
Trong khi đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, ngoài Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam còn có Công ty TNHH Khí nhiên liệu GTVT PVGazProm TPHCM cũng muốn đăng ký tham gia. Tuy nhiên, theo kế hoạch phải sau năm 2020 công ty này mới có sản phẩm cung cấp.
Nhiều chuyên gia về vận tải cho rằng, khi thực hiện chủ trương sử dụng xe CNG, các hợp tác xã đã hưởng ứng, chấp nhận mức đầu tư cao (giá xe buýt sử dụng khí CNG thường đắt gấp rưỡi xe buýt sử dụng dầu diesel). Do vậy, về lâu dài TPHCM phải có giải pháp quyết liệt, căn cơ để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết đã phối hợp với Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam triển khai nâng cấp, di dời các trạm nạp khí CNG hiện hữu cho phù hợp. Mặt khác, trung tâm cùng đơn vị liên quan khảo sát, từ đó thống nhất có 11 vị trí có thể xây dựng trạm nạp khí CNG.
Trung tâm sẽ tập trung ổn định nguồn cung và giá khí CNG cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Hiện có 4 trạm nạp nhiên liệu sạch CNG tại TPHCM: bãi xe buýt Phổ Quang (quận Tân Bình), bến xe buýt Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức), bến xe An Sương (quận 12) và trạm Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Trước mắt, để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu khí CNG được ổn định, lâu dài phục vụ cho hoạt động của các phương tiện sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên CNG trên các tuyến xe buýt có trợ giá từ ngân sách, UBND TPHCM đã có Văn bản số 2650/UBND-ĐT gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đề nghị hỗ trợ giải quyết. Cụ thể, UBND TPHCM đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan ưu tiên dành khoảng 36 triệu m3 khí CNG trong năm 2019 và 40 triệu m3 khí CNG trong năm 2020 để cung cấp cho ngành vận tải hành khách công cộng của TP. Bộ Công thương và Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận ưu tiên giá bán khí cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng với giá bán cho các đơn vị sản xuất điện theo từng thời điểm công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex trên cùng đơn vị nhiệt lượng (đơn giá VND/mmBTU). Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xem xét, công bố công thức tính giá bán đối với nhiên liệu khí CNG làm cơ sở cho việc tính toán giá thành khí CNG so với dầu diesel. |