Đất đai của gia đình có giấy tờ hợp pháp, thế nhưng ông Bùi Thiện Dân (ngụ khóm 2, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) bị hàng xóm là ông Nguyễn Hồng Nhẫn ngang nhiên chiếm dụng khoảng 230m2 mặt tiền để xây nhà máy sản xuất nước đá (Báo SGGP ngày 19-9-2016 có bài phản ánh). Gần 10 năm qua, ông Dân vác đơn đi kiện, vì bất chấp tòa án tuyên xử ông Nhẫn phải giao trả đất, ngành chức năng huyện Trà Cú vẫn trì hoãn thi hành án…
Lần xét xử phúc thẩm gần đây nhất vào ngày 29-3-2018, TAND tỉnh Trà Vinh buộc hộ ông Nguyễn Hồng Nhẫn tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà xưởng sản xuất nước đá để trả lại 230m2 đất chiếm dụng cho ông Bùi Thiện Dân; đồng thời buộc hộ ông Nhẫn bồi thường thiệt hại cho hộ ông Dân hơn 128 triệu đồng (chiếm dụng đất trong 10 năm qua).
Mặc dù bản án phúc thẩm lần này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, thế nhưng đã hơn 8 tháng trôi qua, các ngành chức năng huyện Trà Cú cứ “đủng đỉnh”, “đẩy đưa”… rồi viện hàng loạt lý do nhằm trì hoãn việc thi hành án. Bức xúc trước việc chậm trễ thi hành án của cơ quan chức năng huyện Trà Cú, ông Dân liên tục gửi đơn cầu cứu. Cứ mỗi lần như thế, UBND huyện Trà Cú và Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Trà Cú lại gửi những thông báo với các nội dung như: mời hộ ông Dân và ông Nhẫn đến thỏa thuận việc thi hành án, đối thoại để thi hành án, hoặc thông báo chuẩn bị cưỡng chế, rồi khảo sát tài sản chuẩn bị cưỡng chế, hay thông báo khảo sát tài sản chuẩn bị cưỡng chế thi hành án lần 2… Thông báo là vậy, nhưng việc thi hành án tiếp tục “án binh bất động”.
Đến cuối tháng 10- 2018, ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện Trà Cú, cùng các ngành liên quan ở huyện, tổ chức buổi đối thoại về vụ việc trên. Một trong những phương án giải quyết được huyện Trà Cú đưa ra là động viên ông Bùi Thiện Dân chuyển nhượng phần đất trên cho ông Nguyễn Hồng Nhẫn nhằm khỏi thi hành án. Dù không muốn bán, nhưng do quá mệt mỏi trong việc đi đòi đất đã 10 năm, nên gia đình ông Dân chấp nhận bán theo giá thị trường toàn bộ khu đất hơn 550m2 với giá 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nhẫn “bẻ kèo” là chỉ mua 230m2 mà ông này chiếm dụng để xây nhà máy nước đá, chứ không mua hết!
Ông Trang Văn Ngào, Chủ tịch UBND thị trấn Định An, huyện Trà Cú, cho biết: “Ông Nhẫn chiếm dụng đất của ông Dân và trải qua nhiều lần xét xử các cấp tòa án đều buộc ông Nhẫn tháo dỡ nhà máy để trả lại đất cho ông Dân. Thấy việc tháo dỡ nhà máy nước đá là tốn kém, thiệt hại cho ông Nhẫn… nên huyện mới động viên ông Dân chuyển nhượng. Đây cũng là việc thuận lợi cho ông Nhẫn tiếp tục kinh doanh. Thế nhưng ông Nhẫn chỉ đồng ý mua 230m2 đất chiếm dụng ngay chính giữa phần đất 550m2 của ông Dân. Như vậy đất ông Dân chỉ còn lại 2 đầu một ít thì làm sao sử dụng. Điều này cho thấy ông Nhẫn không có thiện chí sửa sai, mà có ý đồ chiếm đất người khác”. Theo thông tin từ ngành chức năng, nhà máy nước đá của ông Nhẫn xây dựng nhiều năm qua không hề có giấy phép, phần đất của ông này cũng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng…
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trịnh Hoàng Phong, Chánh Thanh tra huyện Trà Cú, cho rằng: Các cơ quan thẩm quyền cần mạnh tay hơn nữa với trường hợp công khai chiếm đất và xem thường pháp luật của ông Nguyễn Hồng Nhẫn. Không nên thương lượng chuyển nhượng để “hợp thức hóa”, mà cần áp dụng cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng, dù khó mấy cũng phải làm, phải xử lý nghiêm nhằm răn đe các trường hợp khác…