Bị cáo Trịnh Văn Quyết nhiều lần khẳng định cáo trạng mô tả hành vi của mình là đúng

Quá trình xét hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC) cuối giờ sáng ngày 23-7, chủ tọa Vũ Quang Huy đề nghị ông Quyết cho biết, việc khai báo tại tòa có tự nguyện không, bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định mình khai nhận tự nguyện.

Là người cuối cùng trong buổi sáng, bị cáo Trịnh Văn Quyết được yêu cầu lên bục khai về 2 hành vi bị truy tố là thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về 2 hành vi này, ông Quyết mở lời rằng, ông tôn trọng và đồng ý với cáo trạng đã truy tố. Việc chỉ đạo nâng khống vốn của doanh nghiệp, ông Quyết cũng khẳng định, hành vi được mô tả trong cáo trạng là đúng. “Bị cáo tôn trọng và thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng đã nêu”, ông Quyết nói.

“Cáo trạng mô tả bị cáo chỉ đạo Huế và các nhân viên khác nâng khống giá trị của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó làm thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bán ra thị trường rồi hưởng lợi hơn 3.600 tỷ đồng”, chủ tọa nêu và đặt câu hỏi: “Bị cáo có ý kiến gì về nội dung này trong cáo trạng không?”. Trả lời, ông Quyết tiếp tục thừa nhận cáo trạng đã mô tả đúng với những hành vi của bị cáo.

Quyết.JPG
Bị cáo Trịnh Văn Quyết khai tại tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Về cáo buộc hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết một lần nữa nhắc lại “bị cáo thừa nhận những gì cáo trạng mô tả”. Vậy mục đích bị cáo nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros để làm gì? Trả lời tại tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết nói rằng: "bị cáo chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư".

“Bị cáo mua lại công ty là để phục vụ cho chủ trương thành lập một công ty xây dựng, chủ động cho các hoạt động đầu tư trong hệ thống Tập đoàn FLC và dự án ở ngoài tập đoàn. Thực tế, đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện được ý tưởng đó. Đó là mua lại và thành lập công ty về lĩnh vực xây dựng. Về vốn thực góp, bị cáo không nhớ và tôn trọng cáo trạng, cáo trạng mô tả ra sao thì bị cáo chấp nhận như vậy. Bị cáo cũng tôn trọng phán quyết của hội đồng xét xử. Bị cáo cũng không nhớ dòng tiền về tài khoản là bao nhiêu, không nhớ cụ thể đã dùng vào việc gì”?

Đối với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”, ông Trịnh Văn Quyết không nhớ thu được bao nhiêu tiền từ hành vi này. Chủ tọa nhắc lại, trong cáo trạng nêu ông Quyết thu được hơn 700 tỷ đồng, trừ đi 1 mã chứng khoán không bị truy tố thì còn hơn 600 tỷ đồng. Với số tiền hơn 600 tỷ đồng thu lợi từ hành vi trên, ông Quyết nói không có ý kiến và tôn trọng cáo trạng.

Bị cáo hưởng lợi như vậy, bị cáo sử dụng vào việc gì? - tòa hỏi. Ông Quyết đáp: Cụ thể, dòng tiền đi như thế nào bị cáo nghĩ rằng bản mô tả trong cáo trạng là đúng như thế.

Quang canh.jpg
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Trong vụ án này, ông Trịnh Văn Quyết bị truy tố 2 tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với 2 tội danh này, ông Quyết khẳng định lại, do hội đồng xét xử phán quyết, còn hành vi làm những việc gì đã được mô tả trong cáo trạng và bị cáo chấp nhận mọi phán quyết của tòa.

Việc khai báo của bị cáo tại phiên tòa hôm nay có được tự nguyện không? - tòa hỏi ông Quyết. Đáp lại, ông Quyết khẳng định mình khai báo tự nguyện.

Tại phiên tòa, chủ tọa Vũ Quang Huy đã thông báo lại cho ông Quyết một số lời khai mà trước đó các bị cáo đã khai trong khi ông Quyết bị cách ly. Theo đó, các lời khai thể hiện họ làm theo sự chỉ đạo của ông Quyết để nâng khống giá trị của doanh nghiệp là Công ty Faros, rồi bán cổ phiếu ra thị trường để hưởng lợi; cùng với đó là hành vi thao túng thị trường chứng khoán, các bị cáo đều khai thực hiện theo chỉ đạo của ông Quyết. Với các lời khai này, ông Quyết nói không có ý kiến gì.

Trước đó, theo bản cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ việc mua và đổi tên thành Công ty Faros và dùng Công ty Faros làm công cụ để chỉ đạo Doãn Văn Phương (Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đang bỏ trốn) và Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng; chỉ đạo lãnh đạo Công ty Faros thực hiện các thủ tục để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng; được niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE; chỉ đạo việc mua bán số cổ phiếu khống về giá trị để chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục