Sau hơn 2 giờ đọc bản án, hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tổng hợp 2 hình phạt là 21 năm tù.
Cùng bị tuyên ở 2 tội danh như trên, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) bị phạt tổng cộng 14 năm tù; Trịnh Văn Đại (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, anh họ bị cáo Quyết) bị tuyên phạt tổng cộng 11 năm tù; bị cáo Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) bị tuyên phạt tổng cộng 8 năm 6 tháng tù; bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái bị cáo Quyết) bị tuyên phạt tổng cộng 8 năm tù.
Hiện, hội đồng xét xử đang tiếp tục đọc bản án, tuyên án các bị cáo ở nhóm tội và các đơn vị khác như Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE)...
Theo hội đồng xét xử, từ kết quả điều tra xác định có hơn 25.800 nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra để mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros bán ra đợt đầu. Họ không biết Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối để thao túng cổ phiếu.
Hơn 25.800 nhà đầu tư được xác định là bị hại của vụ án này.
Lời khai của các bị cáo tại tòa về cơ bản phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người liên quan và hồ sơ tố tụng mà cơ quan chức năng thu thập được.
Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận, các bị cáo tại Tập đoàn FLC như: Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung… đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối, nâng khống giá trị cổ phiếu ROS. Qua đó, giúp cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm niêm yết cổ phiếu trái quy định lên sàn chứng khoán HOSE, bán cổ phiếu cho hàng nghìn nhà đầu tư rồi chiếm đoạt số tiền hơn 3.600 tỷ đồng của họ.
Các bị cáo tại HOSE như: Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà cùng một số cán bộ khác tại HOSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, dù biết hồ sơ của Công ty Faros (sau khi được nhóm Trịnh Văn Quyết nâng khống giá trị vốn góp) không đủ điều kiện, song vẫn tạo điều kiện của cổ phiếu ROS được niêm yết lên sàn chứng khoán.
Trong đó, các bị cáo Trần Đắc Sinh và Lê Hải Trà khai họ có mối quan hệ từ trước với Trịnh Văn Quyết, nên đã chỉ đạo ưu ái cho Quyết và đồng phạm hoàn tất hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS.
Bản án kết luận, Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và các bị cáo Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Tuân (Giám đốc Công ty FLC Land)..., cũng như nhiều người có mối quan hệ thân quen, họ hàng của bị cáo Quyết đã vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng.
Các bị cáo biết rõ Công ty Faros không có vốn thực góp nhưng đã cùng nhau thực hiện các hành vi gian dối để nâng khống vốn điều lệ của Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó phát hành trên 430 triệu cổ phiếu, niêm yết lên sàn HOSE nhằm lừa dối các nhà đầu tư.
Từ đây, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán số cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt của các nhà đầu tư tổng cộng hơn 3.600 tỷ đồng.
Để cho nhóm Trịnh Văn Quyết gây ra những hành vi trên, nhóm bị cáo thuộc đơn vị kiểm toán và các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm trái quy định, chịu sự tác động của Trịnh Văn Quyết để cho niêm yết số cổ phiếu ROS trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo này được đánh giá gây nguy hiểm cho xã hội.
Về tính chất mức độ của nhóm bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bản án sơ thẩm nêu các bị cáo đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư số tiền đặc biệt lớn, ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán.
“Trong đó, Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, cần phải xử lý nghiêm”, chủ tọa công bố.
Còn các bị cáo khác giữ vai trò đồng phạm giúp sức, trong đó, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung, Trịnh Văn Đại, Trịnh Tuân… là những bị cáo giúp sức tích cực.
Trong khi đó, các bị cáo thuộc HOSE bị tòa sơ thẩm đánh giá có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Trong đó, Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT) là người giữ vai trò cao nhất, ông Sinh đã gây ảnh hưởng đến Lê Hải Trà (nguyên Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Thường trực, Thành viên độc lập Hội đồng niêm yết HOSE) và cấp dưới để tạo điều kiện cho cổ phiếu ROS được niêm yết nhanh trên sàn chứng khoán dù chưa đủ cơ sở pháp lý....