Trong đó, các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lê Tấn Hùng (Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, người quản lý vốn Nhà nước tại SAGRI) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đồng ý với bản án sơ thẩm nhưng cho rằng bản án chưa được xem xét thấu đáo. Bị cáo Tuyến nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho cấp dưới nhưng khẳng định là không có động cơ vụ lợi, không có việc biết sai mà vẫn ký. Bị cáo Tuyến thừa nhận khi ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án có thiếu sót…
Tuy nhiên, bị cáo nói sức khỏe bị cáo không tốt, do bị gãy xương đùi, đi lại khó khăn, huyết áp cao... HĐXX hỏi bị cáo Tuyến là có giấy tờ chứng minh không thì bị cáo khai báo, rằng sức khỏe của bị cáo xấu đi sau phiên sơ thẩm và gần đây, nên chưa chuẩn bị hồ sơ, bị cáo sẽ nộp cho tòa sau (bị cáo Tuyến đang được tại ngoại).
Đồng thời, bị cáo Tuyến mong cấp phúc thẩm tuyên không cách ly khỏi đời sống xã hội và sớm thi hành án.
Bị cáo Lê Tấn Hùng thừa nhận hành vi phạm tội của mình ở bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, bị cáo Hùng nói là việc làm của bị cáo đều xin chủ trương và không có vụ lợi cá nhân…Đồng thời, sau khi nhận thức được hành vi, bị cáo Hùng đã khắc phục, nộp lại số tiền.
HĐXX cho rằng, bị cáo Hùng là người từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nên nhận thức rất rõ hành vi của mình sẽ gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Riêng bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án. Bị cáo Tuấn cho rằng quá trình thực thi nhiệm vụ, bị cáo đã áp dụng đúng các quy định pháp luật để tham mưu cho thành phố, bản thân không vụ lợi gì.
Bị cáo Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI) đồng ý bản án sơ thẩm. Bị cáo Thúy nói, việc ký các giấy tờ liên quan đều làm theo chỉ đạo bị cáo Hùng và có sự sắp xếp từ trên xuống. Bản thân bị cáo Thúy là lao động chính trong gia đình, chồng đang bệnh nặng, gia đình có công với cách mạng, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND TPHCM thành lập và làm chủ sở hữu. Bị cáo Lê Tấn Hùng là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, người quản lý vốn Nhà nước tại SAGRI. Tuy nhiên, bị cáo đã chỉ đạo và cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức, TPHCM), gây thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên bị cáo Hùng 25 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn bị tuyên phạt 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". Các bị cáo khác nhận từ án treo đến 20 năm tù về các tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".