Ngày 29-12, TAND TPHCM tiếp tục xét xử 20 bị cáo trong vụ án chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (viết tắt Sadeco) sang Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (viết tắt Công ty Nguyễn Kim) gây thất thoát tài sản nhà nước gần 670 tỷ đồng.
Liên quan đến hành vi lợi dụng thẩm quyền quản lý nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng của Sadeco, bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, viết tắt IPC; kiêm Chủ tịch HĐQT Sadeco) và đồng phạm đã chiếm hưởng hơn 4,6 tỷ đồng, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo. Trả lời tại tòa, bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận đã nhận được 1,7 tỷ đồng nhưng nộp thuế gần 500 triệu đồng, chỉ thực lãnh 1,2 tỷ đồng.
Bị cáo Tề Trí Dũng. Ảnh: VĂN MINH
Bị cáo Tề Trí Dũng khai nhận khoản tiền này vì nghĩ đó là tiền thù lao khen thưởng của công ty. Khi nhận tiền, bị cáo không sử dụng cá nhân mà đi làm từ thiện. Sau khi cơ quan điều tra làm việc, bị cáo thấy nhận số tiền này là sai nên đã trả lại cho Sadeco. Bị cáo Tề Trí Dũng không phản đối cáo trạng đã truy tố tội danh “Tham ô tài sản”.
Đối với bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Sadeco) và các bị cáo khác có liên quan đều đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản”. Các bị cáo khai, bản thân lúc đó nghĩ tiền này là tiền thu lao, khen thưởng của công ty nên đương nhiên được nhận, chứ không nghĩ nhận tiền này là hành vi “Tham ô tài sản”.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: VĂN MINH
Đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã thẩm vấn các bị cáo. Trong đó, VKS hỏi bị cáo Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM tại Sadeco) về Tờ trình 13 là tờ trình thông qua HĐQT, căn cứ vào đâu bị cáo đưa Tờ trình 12A xin ý kiến Văn phòng Thành ủy TPHCM và trong Tờ trình 12A lại bỏ chữ Công ty Nguyễn Kim, có phải bị cáo muốn che giấu?
Trả lời thẩm vấn liên quan đến hai tờ trình này, bị cáo Long cho biết, không muốn chỉ định một doanh nghiệp nào vào tờ trình, để việc phát hành cổ phần được minh bạch, công khai. Bị cáo có trao đổi với bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Sadeco) thay thế Tờ trình 13 bằng Tờ trình 12A.
Đến đây, đại diện VKS truy tiếp, Tờ trình 12A chưa thông qua HĐQT tại sao làm căn cứ để trình xin ý kiến Văn phòng Thành ủy. Trong khi đó, trong cuộc họp HĐQT, các bị cáo đều đề cập cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Việc này có phải bị cáo muốn che giấu đối tác chiến lược? Bị cáo Huỳnh Phước Long trả lời, đây là lỗi chính tả, bị cáo quên sửa.
Trước đó, trả lời HĐXX vào chiều 28-12, bị cáo Tất Thành Cang đã đề cập đến 2 tờ trình này và cho rằng, cấp dưới đã báo cáo không trung thực, không có cơ sở pháp lý từ tờ trình, do đó dẫn đến việc quyết định các nội dung tại đại hội cổ đông không đúng với nội dung đã được trình bày trong các cuộc họp trước đó mà bị cáo chủ trì.
Bị cáo Tất Thành Cang. Ảnh: VĂN MINH
Theo bị cáo Tất Thành Cang, hai tờ trình này không giống nhau. Tờ trình 12A ghi giá dự kiến, còn Tờ trình 13 là giá ấn định 40.000 đồng. Thứ hai, Tờ trình 12A trình hai phương án để chọn một; còn Tờ trình 13 chỉ sau khi trình bày thì đề xuất tại đại hội cổ đông chỉ xem xét biểu quyết một phương án duy nhất là phát hành giá 40.000 đồng cho cổ đông Công ty Nguyễn Kim ngay sau đại hội và đó là nội dung duy nhất để trình cho đại hội cổ đông.
"Ở đây khác về bản chất, nội dung và khác về bản chất pháp lý. Cụ thể, tại đại hội cổ đông chỉ trình một phương án duy nhất theo Tờ trình 13 và không có trình hai phương án để cho tất cả các cổ đông được lựa chọn, biểu quyết theo nhu cầu đầu tư của từng chủ sở hữu khác nhau", bị cáo Tất Thành Cang trả lời HĐXX.
Trước đó, đại diện VKS đã thẩm vấn bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc IPC). Bị cáo Dũng trình bày lại những nội dung mà bị cáo này đã trả lời HĐXX vào chiều 28-12. Trong đó, bị cáo khẳng định bản thân đã nhận ra những việc làm trước đây hoàn toàn sai, rất ân hận.