Ngày 28-12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, viết tắt IPC; kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn, viết tắt Sadeco) và Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) cùng với 18 bị cáo khác trong vụ án xảy ra sai phạm tại tại công ty này, gây thất thoát gần 670 tỷ đồng.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Tề Trí Dũng trả lời HĐXX, sau khi nhận được tờ trình của nhóm đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM trình IPC, bị cáo phân công phòng tài chính kế hoạch IPC tham mưu, từ đó bị cáo tiếp tục có ý kiến trình HĐTV IPC. Sau khi có ý kiến HĐTV, bị cáo được phân công báo cáo lên UBND TPHCM. “Bị cáo hoàn toàn làm đúng với sự phân công của HĐTV”, bị cáo Tề Trí Dũng trả lời.
HĐXX hỏi tiếp: “Việc thẩm định, tham mưu thuộc phòng ban nào của IPC?”. “Theo quy định việc này thuộc phòng tài chính kế hoạch của công ty”, bị cáo Tề Trí Dũng đáp.
Bị cáo Tề Trí Dũng (bìa trái) tại phiên toà. Ảnh: VĂN MINH
Trên cơ sở tham mưu của phòng này, bị cáo Tề Trí Dũng đã đồng ý phương án 2 chuyển nhượng 9 triệu cổ phần Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim. HĐTV IPC cũng đã đồng ý phương án chuyển nhượng này.
HĐXX hỏi tại tờ trình 363 ngày 24-3-2017 về việc thống nhất ý kiến của đại diện vốn chọn phương án 2, trong đó có việc phát hành 9 triệu cổ phần, ấn định giá và chọn cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, việc này có được các thành viên HĐTV IPC thống nhất biểu quyết không và bằng hình thức nào? Bị cáo trả lời: “Có. Tất cả những biểu quyết của HĐTV liên quan đến việc phát hành đều thông qua thư tín hết. Theo bị cáo nhớ là như vậy, lúc đó không có tổ chức họp”.
Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời tiếp có thay mặt IPC ký văn bản xin ý kiến UBND TPHCM về phương án phát hành cổ phần tại Sadeco, dẫn đến giảm tỷ lệ sở hữu từ 44% xuống còn 28,8%. “Sau khi bị cáo có báo cáo, Văn phòng UBND TPHCM có chuyển cho các sở ban ngành có chức năng tham mưu việc này. Bị cáo không nhớ số văn bản vì quá lâu rồi. Bị cáo chỉ nhớ chuyển cho Chi Cục Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, Sở Tư pháp để có ý kiến về phương án phát hành này”, bị cáo Tề Trí Dũng trả lời rành rọt.
HĐXX xét hỏi: Sau đó thực hiện theo quy định nào trong việc phát hành cổ phần trong trường hợp này?
Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời, theo nội dung văn bản UBND TPHCM giao cho HĐTV IPC căn cứ vào mấy việc sau, thứ nhất là căn cứ vào đề án tái cơ cấu do UBND TPHCM đã phê duyệt vào năm 2013. Thứ hai, lựa chọn phương án phát hành đảm bảo lợi ích tối ưu và hợp pháp cho doanh nghiệp Nhà nước. “Đó là 2 căn cứ mà UBND TPHCM yêu cầu HĐTV IPC căn cứ vào để xem xét, thực hiện. Phần cuối của văn bản này UBND TPHCM có bổ sung nội dung, thực hiện quản lý đầu tư theo Nghị định 91”, bị cáo Tề Trí Dũng trả lời.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: VĂN MINH
HĐXX truy vấn với trách nhiệm là Tổng Giám đốc IPC và thành viên HĐTV IPC, bị cáo có thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 91 trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần tại Sadeco không?
“Việc này vào thời điểm đó với nhận thức của bị cáo là làm hoàn toàn đúng với quy định pháp luật. Tuy nhiên, do nhận thức của bị cáo bị nhầm lẫn giữa việc bán vốn với việc phát hành cổ phần dẫn đến giảm tỷ lệ sở hữu. Bị cáo có sự nhầm lẫn về việc này”, bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận.
Bị cáo Tề Trí Dũng giải thích sự nhầm lẫn này là do có sự nhầm lẫn trong nhận thức như vậy dẫn đến sai sót rất lớn là không thực hiện đúng theo quy định trong việc phát hành 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim.
“Đây là lỗi của bị cáo. Bị cáo rất hối hận. Tại thời điểm đó với nhận thức của mình, bị cáo cho rằng là đã làm tròn công việc khi đã chọn được phương án phát hành cổ phần tốt nhất cho Sadeco cũng như phù hợp với quy định pháp luật. Bị cáo xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về sự thiếu sót của bản thân tại thời điểm đó”, bị cáo Tề Trí Dũng trả lời trước tòa.
HĐXX xét hỏi: Với tư cách là Chủ tịch HĐQT Sadeco và Tổng giám đốc IPC, bị cáo nhận thức thế nào về trách nhiệm, vai trò của mình trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim?
Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời: Theo nhận thức của bị cáo, quá trình thực hiện phát hành cổ phần đã phạm rất nhiều sai sót. Mặc dù những sai sót này xuất phát từ sự chủ quan không có cẩn trọng chứ không xuất phát từ yếu tố có vụ lợi. Tất cả những sai sót này đã gây nên thiệt hại lớn.
Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời: Theo nhận thức của bị cáo, quá trình thực hiện phát hành cổ phần đã phạm rất nhiều sai sót. Mặc dù những sai sót này xuất phát từ sự chủ quan không có cẩn trọng chứ không xuất phát từ yếu tố có vụ lợi. Tất cả những sai sót này đã gây nên thiệt hại lớn.
Theo diễn biến vụ án liên quan đến việc phát hành 9 triệu cổ phần, ngày 15-11-2016, Trần Mạnh Khôi là Phó Trưởng Ban kiểm soát Sadeco, người đại diện vốn của IPC, thay mặt nhóm người đại diện vốn của IPC tại Sadeco ký văn bản thỉnh thị ý kiến chỉ đạo của IPC về chủ trương hợp tác chiến lược với Công ty Nguyễn Kim và nghiên cứu xây dựng phương án tăng vốn điều lệ để công ty này trở thành cổ đông chiến lược.
Ngày 21-11-2016, Tề Trí Dũng ký tờ trình gửi HĐTV IPC về chủ trương tăng vốn điều lệ của Sadeco, đề xuất chọn Công ty Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược. Sau khi lấy ý kiến của các thành viên HĐTV IPC gồm Nguyễn Trường Bảo Khánh, Phạm Xuân Trung, Vũ Xuân Đức, Tề Trí Dũng, ngày 25-11-2016, Tề Trí Dũng đại diện HĐTV IPC ký Nghị quyết chấp thuận cho người đại diện vốn biếu quyết thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Sadeco.
Bị cáo Tề Trí Dũng bị dẫn giải đến tòa. Ảnh: VĂN MINH
Đến ngày 27-12-2016, ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc Sadeco ký tờ trình gửi HĐQT Sadeco về việc đề xuất tham gia hợp tác với Công ty Nguyễn Kim ở 2 dự án do Công ty Nguyễn Kim làm chủ đầu tư. Cùng ngày, HĐQT Sadeco họp, ra nghị quyết thống nhất xúc tiến quá trình hợp tác chiến lược với Công ty Nguyễn Kim. Ban điều hành Sadeco tính toán phương án chuẩn bị cho việc tăng vốn điều lệ để Công ty Nguyễn Kim trở thành cố đông chiến lược. Cùng ngày, HĐQT Sadeco họp, ra nghị quyết về việc chọn công ty thẩm định giá trị tài sản và tư vấn các thủ tục liên quan đến việc phát hành tăng vốn điều lệ. Sau đó xác định giá là hơn 36.000 đồng/cổ phần.
Ngày 1-3-2017, Hồ Thị Thanh Phúc thay mặt nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco báo cáo nhu cầu tăng vốn để đầu tư phát triển các dự án, đề xuất 2 phương án tăng vốn điều lệ như sau: Phương án 1 là phát hành cho cổ đông hiện hữu 33 triệu cổ phần với tổng giá trị phát hành 330 tỷ đồng. Phương án 2 là phát hành cho cổ đông chiến lược 9 triệu cổ phần, giá bán là 40.000 đồng/cồ phần, tổng số tiền dự kiến thu được là 360 tỷ đồng.
Nhóm đại diện vốn đề xuất tăng vốn điều lệ theo phương án 2 phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, căn cứ báo cáo định giá đã đưa ra giá 40.000 đồng/cổ phần.
Sau đó, Tề Trí Dũng ký tờ trình về việc tăng vốn điều lệ của Sadeco, thống nhất với nhóm đại diện vốn IPC tại Sadeco lựa chọn phương án 2 phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Chính việc phát hành này không thông qua đấu giá công khai, không qua thẩm định giá và đấu giá gây thiệt hại gần 670 tỷ đồng.