Ngày 12-10, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm với ông Tất Thành Cang cùng 9 bị cáo khác về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan vụ sai phạm trong chuyển nhượng 32ha đất tại xã Phước Kiển và một phần diện tích của dự án khu dân cư ven sông Tân Phong, gây thiệt hại của nhà nước hơn 734 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Thanh Tân (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM) xin HĐXX xem xét thời điểm ông nhận nhiệm vụ thì Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã sở hữu 90% phần vốn góp, Công ty Tân Thuận chỉ còn 10%.
Bị cáo Tân cho rằng, việc cơ quan điều tra kết luận ông chịu trách nhiệm đối với 10% giá trị dự án nhưng cáo trạng quy ông phải chịu trách nhiệm toàn bộ dự án. Bị can khẳng định không hưởng lợi gì từ việc này.
Bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM) trình bày, việc chuyển nhượng 2 dự án trên theo quy định pháp luật, điều lệ hoạt động của Công ty Tân Thuận. Chủ sở hữu, tức Văn phòng Thành ủy lo về chủ trương và HĐTV Công ty Tân Thuận chịu trách nhiệm trước chủ thể. Khi HĐTV có 2 người, bị cáo không có chủ trương yêu cầu bổ sung. Về điều này, bị cáo thừa nhận chưa làm đúng trách nhiệm, thiếu sót vì không chỉ đạo kịp thời.
Bị cáo Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư và kinh doanh vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM) trình bày, do không am hiểu về chứng thư, Luật giá 2012 nên khi thẩm định không biết sai. Qua rà soát Công ty Tân Thuận đủ hồ sơ và Công ty CP Quốc Cường đủ năng lực nên bị cáo nghĩ đã đầy đủ quy định. Bị cáo Long cho rằng chỉ chấp thuận chủ trương để các dự án của công ty được khơi thông, lấy lại vốn và không hưởng lợi ích gì.
Bị cáo Tất Thành Cang nhận trách nhiệm và thừa nhận hành vi cáo trạng truy tố là đúng. Tuy nhiên, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng, cáo trạng có một số chỗ cần điều chỉnh lại để tránh mâu thuẫn. Cáo trạng xác định bị cáo Tất Thành Cang là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất đối với việc quản lý tài sản của Đảng bộ TPHCM.
Thế nhưng đoạn dưới cáo trạng nêu bị cáo vi phạm, không đúng thẩm quyền ở khoản 3, khoản 4 Điều 6, Quy chế quản lý sử dụng tài sản tại các Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Đảng bộ TPHCM ban hành kèm theo quyết định 1087.
Bị cáo Tất Thành Cang cho rằng, quyết định trên nói rõ Ban Thường vụ Thành ủy ủy quyền cho Chánh Văn phòng Thành ủy làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tài sản Đảng bộ và thực hiện quyền chủ sở hữu, phê duyệt điều lệ của doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ TPHCM. Do đó, chánh Văn phòng Thành ủy là người đứng đầu cao nhất chứ không phải là bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo Tất Thành Cang đề nghị HĐXX và Viện KSND TPHCM xem xét toàn diện, khách quan bối cảnh của vụ việc. Bị cáo Tất Thành Cang trình bày rằng, “Bị cáo thực hiện không vì bất cứ mục đích cá nhân nào khác mà chỉ thực hiện để củng cố công tác tổ chức, hoạt động của Đảng bộ về phần nội bộ kinh tế Đảng”.
Bị cáo Tất Thành Cang cho rằng mình là người đã chỉ đạo phải bám sát giá thị trường để điều chỉnh kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục. Ngày 30-5-2017, bị cáo bút phê đồng ý với đề xuất của Văn phòng lên tờ trình 1206. Cùng ngày, bị cáo nhận được công văn của Văn phòng UBND TPHCM truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa về việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị như Sở Tài chính, Sở TN-MT, Thanh tra TPHCM, Cục Thuế TPHCM rút kinh nghiệm về việc thẩm định, xác định giá thị trường khu vực xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ để tham mưu cho UBND TPHCM.
Bị cáo Tất Thanh Cang nói “Bị cáo bút phê ngày 30-5-2012 cho anh Phạm Văn Thông, đề nghị anh Thông nghiên cứu văn bản này để tham mưu công việc của Tân Thuận. Điều này thể hiện ý chí bị cáo là nhất quán yêu cầu thực hiện chủ trương chuyển nhượng dự án theo giá thị trường…”
Khi bị cáo Phan Thanh Tân báo cáo 120 tỷ đồng (là tiền sau khi Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai) đã chuyển về cho Văn phòng Thành ủy, bị cáo Tất Thành Cang đã làm việc với bị cáo Tân và đề nghị bị cáo này phải kiểm tra lại việc chuyển nhượng này đã đúng giá thị trường hay chưa.
Bị cáo Tất Thành Cang khai: “Chính chỉ đạo trên, bị cáo Phan Thanh Tân phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Sở TN-MT, UBND huyện Nhà Bè để kiểm tra lại giá thị trường và tham mưu. Việc này mới phát hiện ra có sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá chuyển nhượng, để từ đó tham mưu và báo cáo với tập thể Thường trực Thành ủy, Thường vụ Thành ủy trong quá trình chỉ đạo khắc phục kịp thời hậu quả. Ban đầu là điều chỉnh và sau đó hủy hợp đồng chuyển nhượng..."