Từ sáng sớm, công tác an ninh được huy động tối đa bảo vệ phiên tòa. Tất cả những người vào dự phiên tòa đều phải có giấy mời, giấy triệu tập và chịu sự giám sát an ninh nghiêm ngặt.
Các cơ quan truyền thông, báo chí được bố trí phòng riêng và được trang bị bút, giấy để ghi chép; cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cấm mang các phương tiện ghi âm, ghi hình vào phòng báo chí.
Theo ghi nhận của phóng viên, lúc 8 giờ 10 phút, phiên tòa được khai mạc, sau hơn 1 giờ kiểm tra căn cước các bị cáo, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.
Tại phần thủ tục, thư ký phiên thông báo, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC) và Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó Tổng Giám đốc AIC) vắng mặt. Các bị cáo vắng mặt, cơ quan chức năng chỉ định luật sư tham gia bào chữa.
Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Nhân Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh) được yêu cầu khai rõ về nhân thân. Bị cáo cho biết, mình không có tên gọi khác và gia đình đang thường trú trên địa bàn TP Bắc Ninh. Bị cáo là cán bộ nghỉ hưu và đã bị khai trừ ra khỏi Đảng ngày 1-2-2024.
Trong khi đó, nói rõ ràng trước tòa, bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh) khai, mình là cán bộ về hưu, nhà ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đã bị khai trừ ra khỏi Đảng ngày 31-1-2024.
Tại phiên tòa hôm nay, một số đơn vị được triệu tập để làm rõ bản chất vụ án cũng vắng mặt như: Đại diện bệnh viện đa khoa các huyện Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình. Do phiên tòa diễn ra nhiều ngày, chủ tọa thông báo sẽ cho triệu tập nếu thấy cần thiết.
Đối với những đơn vị, người liên quan vắng mặt tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho hay, do những người này đã có lời khai, có hồ sơ vụ án nên không ảnh hưởng trong quá trình xét xử. Đối với 2 bị cáo vắng mặt, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa tiếp tục làm việc, do các bị cáo đã được kiểm tra kỹ trong hồ sơ nên sự vắng mặt đó không ảnh hưởng tới diễn biến phiên tòa. Do đó, hội đồng xét xử quyết định chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
Theo cáo trạng, năm 2013, Lã Tuấn Hưng (Tổng Giám đốc Công ty Sông Hồng) đã cùng Nguyễn Hạnh Chung (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh), Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án thuộc Sở Y tế) đến gặp Nguyễn Nhân Chiến, đề nghị hỗ trợ tỉnh xin vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung để tiếp tục triển khai các dự án dở dang, trong đó có 6 dự án bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Điều kiện là, sau khi được phê duyệt phân bổ nguồn vốn bổ sung, Công ty Sông Hồng được chỉ định trúng các gói thầu mua sắm thiết bị y tế của các bệnh viện này.
Cùng trong thời điểm trên, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng liên hệ, đề nghị Trần Văn Tuynh về việc hỗ trợ xin nguồn vốn bổ sung cho tỉnh Bắc Ninh với các dự án này và xin được trúng thầu. Đáp ứng các đề nghị này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và các bị cáo liên quan có thẩm quyền trong việc phê duyệt, tác động tới các gói thầu đã thống nhất phân chia 6 gói thầu cho 2 doanh nghiệp này, mỗi bên được trúng 3 gói.
Trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã hợp thức hồ sơ, nâng khống giá thiết bị, dùng các thủ đoạn “thông thầu” để trúng các gói thầu với giá trị được nâng khống, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 48 tỷ đồng.
Sau khi đã quyết toán các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vào các dịp lễ, tết từ năm 2015-2017, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nhiều lần đưa tiền hối lộ cho bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, với tổng số tiền 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Lã Tuấn Hưng cũng đưa tiền cho Trần Văn Tuynh để chuyển cho ông Chiến 5 lần, tổng cộng 1 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát cáo buộc, tổng số tiền cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã nhận hối lộ để tạo điều kiện cho nhóm Công ty Sông Hồng và AIC trúng thầu là 4 tỷ đồng. Cùng với đó, từ năm 2013 đến 2020, cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cũng nhiều lần nhận quà biếu và hơn 18 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.