Bị cáo Nguyễn Hữu Tín giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”: Tôi đã sai rồi!

Trả lời phần xét hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận hành vi cáo trạng truy tố là đúng. Ông nói: “Tôi biết là tôi đã sai rồi!”, đồng thời trình bày lý do thực hiện hành vi này.


Đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng truy tố các bị cáo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng truy tố các bị cáo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Ngày 26-12, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Năm người bị đưa ra xét xử vì đã thực hiện các thủ tục bán nhà, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại khu “đất vàng” số 15 Thi Sách (Quận 1) cho Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") không thông qua đấu giá, vi phạm các quy định, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà nước.

Trong buổi sáng, phiên tòa diễn ra phần thủ tục và xét hỏi các bị cáo. Ba bị cáo được xét hỏi (gồm ông Nguyễn Hữu Tín, Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương) đều thừa nhận hành vi của mình theo cáo trạng truy tố là đúng.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín cho biết, giai đoạn 2014-2016 ông là Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách khối đô thị. Nhà đất số 15 Thi Sách là nhà đất công sản, theo quy định thì việc xử lý, sắp xếp phải thông qua Ban chỉ đạo 09 do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban.

Ông Tín khai: Khi tiếp nhận công văn 3702 ngày 24-10-2014 của Bộ Công an gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ công ty bình phong của Bộ Công an được thuê đất tại số 15 Thi Sách, ông có bút phê cho Phó Chánh Văn phòng UBND TP Lê Văn Thanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục.

Nhưng ông Tín cho rằng đây là bút phê nội bộ, sau đó trao đổi với bộ phận văn phòng và biết đây là công sản, phải trình qua Ban chỉ đạo 09 và và Công ty Quản lý kinh doanh nhà – là đơn vị trực tiếp cho thuê mặt bằng này. Và ông Tín đồng ý, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính và Công ty Quản lý kinh doanh nhà hướng dẫn.

Ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận việc này không đúng với quy định tại Quyết định 09/2007 và 140/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng ông cũng trình bày thêm, công văn 3702 là công văn tuyệt mật, nội dung văn bản rất ngắn gọn, không có hồ sơ đi kèm, ông không nhớ hết pháp lý của nhà đất số 15 Thi Sách, không biết là của đơn vị nào. Bút phê chỉ mang tính chất nội bộ chứ không có tính chất chỉ đạo cho các ngành.

Từ đề xuất của các sở ngành, Văn phòng UBND TP đã thẩm định, dự thảo văn bản để ông Nguyễn Hữu Tín ký các văn bản chấp thuận cho công ty Bắc Nam 79 – công ty bình phong của Bộ Công an thuê nhà đất số 15 Thi Sách làm trụ sở văn phòng phục vụ công tác an ninh.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”: Tôi đã sai rồi! ảnh 1 Phiên tòa có sự tham gia của nhiều đơn vị, cá nhân là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Theo như ông Tín trình bày trước tòa, nếu là doanh nghiệp bình thường thì chắc chắn phải thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật, nhưng đây là công ty bình phong của Bộ Công an, mang tính chất đặc thù về an ninh tình báo nên ông Tín đã ký các văn bản chấp thuận cho thuê chỉ định, hình thức thuê đất 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm.
Ông Tín cũng cho biết, nếu đúng quy định, cho thuê công sản không thông qua đấu giá thì thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Tín cũng ký văn bản chấp thuận việc khấu trừ 6,7 tỷ đồng tiền chi phí bồi thường tài sản, vật kiến trúc trên đất và lợi thế thương mại của nhà 15 Thi Sách theo đề xuất của Sở Tài chính và Văn phòng UBND TP; gây thất thoát tài sản của nhà nước số tiền này.

Các văn bản này được ông Tín ký mà không thông qua Ban chỉ đạo 09.

“Hành vi như cáo trạng truy tố, tôi xin chấp nhận, tôi không có oan sai gì. Chỉ có một vấn đề xin thưa tòa, viện nói vai trò của tôi là chủ mưu. Thực lòng từ đầu đến cuối, cho tới giờ này, các đồng chí lãnh đạo Bộ cũng không hề trao đổi với tôi bất cứ ý kiến gì, quá trình chỉ đạo các đơn vị cấp dưới, tôi cũng không chỉ đạo phải làm sai gì cả. Tôi cũng không có động cơ cá nhân, mục đích riêng tư gì, chỉ mong HĐXX xem xét “vai trò chủ mưu” của tôi”, ông Tín trình bày trước tòa.

Buổi chiều, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Tài liệu tự động giải mật

Một vấn đề được quan tâm trước khi phiên tòa diễn ra là nhiều tài liệu trong vụ án được đóng dấu mật.

Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa lưu ý trong vụ án này nhiều tài liệu vẫn chưa được giải mật, nên những người tham gia tố tụng lưu ý khi sử dụng, nếu vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín cho biết đã gửi đơn kiến nghị giải mật các tài liệu để phục vụ việc bào chữa tại tòa. Nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.

Tại phiên tòa, luật sư đề nghị HĐXX cho biết phạm vi, giới hạn các tài liệu mà luật sư đã được ghi chép (không được sao chép), luật sư có thể sử dụng được tới đâu để tránh vi phạm.

Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát cho biết trong hơn 4.000 bút lục của vụ án này có rất nhiều tài liệu mật. Tùy mức độ mật, tuyệt mật, tối mật mà có cách giải mật khác nhau, không biết luật sư sẽ sử dụng văn bản nào để có hướng dẫn cụ thể.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị đối chiếu thêm thông tư 33/2015, tại khoản 6 Điều 12 hướng dẫn thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước quy định 5 trường hợp tự động giải mật. Đây là phiên tòa công khai, tuyên án công khai. Các văn bản đã được đề cập trong kết luận điều tra, cáo trạng thì tự động được giải mật.  

Chủ tọa phiên tòa cho biết, trước khi mở phiên tòa, HĐXX đã nhận được kiến nghị của các luật sư về giải mật các tài liệu, tòa án đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cũng cho biết hầu hết các nội dung quan trọng trong các tài liệu mật đã được trình bày trong kết luận điều tra và cáo trạng.

Tin cùng chuyên mục