Bị cáo Nguyễn Đại Dương phủ nhận câu kết với bố vợ để “thâu tóm” đất vàng ở Bình Dương

Chiều 22-8, phiên tòa xét xử 28 bị cáo gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước tại tỉnh Bình Dương tiếp tục phần tranh tụng. Đáng chú ý, trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty 3-2), luật sư đã đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

 

Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương đã dành gần 2 giờ để lập luận nhiều nội dung gỡ tội cho thân chủ của mình với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; mức án đề nghị 6-7 năm tù. 

Trước đó 2 ngày, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội khi luận tội và công bố mức án đề nghị dành cho các bị cáo đã cho rằng, khi bị cáo Nguyễn Văn Minh nói về khu đất 43ha, con rể là bị cáo Nguyễn Đại Dương đã cho bạn là bị cáo Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc với mục đích để liên doanh với Tổng công ty 3-2, thành lập liên doanh Công ty Tân Phú.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương sau đó cùng vợ (bị cáo Nguyễn Thục Anh, con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh) và bố vợ "thâu tóm" khu đất 43ha.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương phủ nhận câu kết với bố vợ để “thâu tóm” đất vàng ở Bình Dương ảnh 1 Các bị cáo tại phiên tòa
Tại phiên tòa 22-8, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Đinh Anh Tuấn phân tích, trong vụ án này cơ quan tố tụng cần làm rõ hai vấn đề: Một là Tổng công ty 3-2 (thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) có phải doanh nghiệp nhà nước không? Và khu đất 43ha có phải là tài sản nhà nước?
Theo luật sư Đinh Anh Tuấn, trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng ở thời điểm đó, Tổng công ty 3-2 đang phải vay vốn để trả tiền đền bù GPMB, qua việc liên doanh với Công ty Âu Lạc, Tổng công ty 3-2 chưa cần bỏ tiền vốn, bỏ công sức để thực hiện dự án 43ha nhưng đã có thể thu về đủ số tiền đã đầu tư và có lãi lớn. 

Cho rằng, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Đại Dương có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, luật sư Đinh Anh Tuấn đề nghị tòa sơ thẩm tuyên thân chủ của mình không phạm tội, trả tự do và khôi phục các quyền công dân cho bị cáo.

Trong khi đó, luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương) dành thời gian để chứng minh bị cáo Dương không hề góp vốn vào Công ty Âu Lạc như cáo buộc. Đồng thời, đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng, cần có nhiều thời gian để đánh giá lại chứng cứ của vụ án, để đảm bảo không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương phủ nhận câu kết với bố vợ để “thâu tóm” đất vàng ở Bình Dương ảnh 2 Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại phiên tòa. Ảnh: NAM ANH
Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương cho rằng, mình không phạm tội, không cấu kết với bố vợ để "thâu tóm" khu đất trên. Bị cáo Dương cho hay, không ai góp bằng tiền mặt khi góp vốn, và đều dùng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. 
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương một lần nữa phủ nhận đã nhờ ông Dương Đình Tâm (nhân chứng vụ án) đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. 
Trước đó, trong phần tự bào chữa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, bản thân không biết việc Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43ha sang tư nhân, cho tới khi báo chí lên tiếng. 
Bị cáo Trần Thanh Liêm khai tại tòa, do nhận thức Tổng công ty 3-2 thuộc Tỉnh ủy Bình Dương nên bị cáo không theo dõi, không có nhiều thông tin hoạt động của doanh nghiệp này. 
Trước khi dừng lời, bị cáo Liêm mong muốn cơ quan công tố, cơ quan xét xử xem xét tình tiết, tính chất vụ án, vì theo bị cáo bản thân không đó động cơ, lợi ích, vụ lợi cá nhân. Bị cáo mong được nhận mức án nhẹ nhất để có cơ hội về với gia đình, về với xã hội. 
Ngày mai 23-8, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận. 

Tin cùng chuyên mục