Hoàng Văn Hưng nói cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội lừa đảo
Chiều cùng ngày, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" làm việc muộn hơn dự kiến khoảng 1 giờ đồng hồ.
Trong thời gian đối đáp của bị cáo Hoàng Văn Hưng, tín hiệu đường truyền ra phòng báo chí liên tục bị gián đoạn, cùng với đó âm thanh nhỏ, các cơ quan báo chí rất khó nghe và khó tường thuật phiên tòa.
Theo Hưng, đại diện viện kiểm sát trước đó đối đáp đã đưa ra những nội dung mà Hưng khẳng định không đúng với lời khai của mình. Theo đó, Hưng nói, trong phần tự bào chữa có nói trước khi khởi tố vụ án, bị cáo không có cơ hội để giải trình về lời khai của Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội), chứ không nói không được làm việc với cơ quan điều tra. Hưng đề nghị viện kiểm sát xem xét lại, những viện dẫn như vậy theo Hưng là chưa đầy đủ.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng đối đáp chiều 21-7. Ảnh: TRẦN PHƯƠNG |
Tiếp tục đối đáp, Hưng cũng cho rằng, cơ quan điều tra đang bỏ lọt tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn.
“Anh Nguyễn Anh Tuấn có nói rằng tâm phục khẩu phục với kết quả điều tra và cáo trạng. Vậy có một điều bất thường ở đây, anh Tuấn trình bày rằng đã đưa toàn bộ số tiền 1,45 triệu USD cho bị cáo, nhưng kết luận điều tra và cáo trạng cáo buộc bị cáo nhận 800.000 USD, như vậy anh Tuấn đã mất đi một số tiền rất lớn, hay nói cách khác anh Tuấn phải chịu trách nhiệm với số tiền rất lớn đó. Vậy, tại sao anh Tuấn phải tâm phục, khẩu phục, anh Tuấn phải kêu oan, phải yêu cầu chứ”, Hưng đặt câu hỏi và cho biết, điều này chứng minh rằng bị cáo Tuấn chỉ được, chứ không mất gì trong vụ án.
Hoàng Văn Hưng còn cho rằng, khi cơ quan điều tra kết luận và cáo trạng cáo buộc bị cáo nhận 800.000 USD thì bị cáo Tuấn cùng gia đình nhanh chóng nộp lại số tiền; bị cáo Hưng tiếp tục đặt câu hỏi, mục đích để làm gì?
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nói tiếp, cho tới ngày 20-7, bị cáo Tuấn đã 3 lần thay đổi lời khai. Do đó, Hưng cho rằng, viện kiểm sát không thể căn cứ vào lời khai của Tuấn để buộc tội mình được. “Điều này, bị cáo rất mong hội đồng xét xử sẽ phân tích, đánh giá khách quan”, Hưng nói.
Kết thúc lời đối đáp, Hưng còn "tố" bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng có dấu hiệu tội "Che giấu tội phạm" đối với bị cáo Lê Hồng Sơn (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bluesky).
Đối đáp lại với những quan điểm của Hưng, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Hưng làm về pháp luật mà cảm giác không hiểu luật. Bị cáo Tuấn cho rằng, số tiền nộp khắc phục 1,45 triệu USD mà gia đình bị cáo nộp là thấy bản thân có lỗi trong vụ án, chứ không phải đây là số tiền bị cáo nhận của các bị cáo khác mà phải nộp lại. Bị cáo Tuấn cho rằng, Hưng “tố” bị cáo lừa đảo là cố tình đánh tráo khái niệm.
Về việc Hưng khai trong quá trình đối chất không đúng với thủ tục tố tụng, bị cáo Tuấn cũng có ý kiến, cho rằng nếu không đúng thủ tục tại sao Hưng lại ký vào biên bản đối chất. “Nói gì thì nói, phải đúng với lương tâm mình, vu oan cho người khác là không được. Hôm nay tôi thấy Hưng khóc, không biết Hưng khóc vì cái gì. Mình là một người tù cũng phải có nhân cách cho nghiêm túc”, bị cáo Tuấn nói.
Mức án "nghiệt ngã với cuộc đời"
Trước đó, Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết, khi bị cáo nhận nhiệm vụ làm thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế, cấp lãnh đạo đã quán triệt bị cáo không được phép “om” hồ sơ liên quan đến các chuyến bay combo. Bị cáo cũng như Bộ Y tế chưa bao giờ chậm trễ trong việc trình, ban hành văn bản, gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, bị cáo mà làm chậm có thể còn bị kỷ luật.
Tại tòa, Kiên xin hội đồng xét xử và viện kiểm sát xem xét việc bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó tình tiết ăn năn hối cải, gia đình tích cực nộp lại tiền. “Theo kế hoạch có thể trong hôm nay hoặc ngày mai, gia đình bị cáo sẽ đóng hết số tiền như nội dung nêu trong cáo trạng”, Phạm Trung Kiên trình bày.
Bên cạnh đó, Kiên nói, trong thời gian chống dịch, bản thân theo các đoàn đến nhiều địa phương tham gia công tác; thành tích này đã được Thủ tướng tặng bằng khen. Những nội dung này bị cáo cho rằng không được viện kiểm sát xem xét áp dụng, mà lại bị đề nghị mức án "nghiệt ngã với cuộc đời". Kiên mong hội đồng xét xử và viện kiểm sát xem xét, để bị cáo có cơ hội trở về với gia đình.
Trước đó, bị cáo Phạm Trung Kiên bị viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình cho tội "Nhận hối lộ" hơn 42 tỷ đồng.