Bí ẩn "kho báu" Chăm hơn 700 tuổi nằm sâu dưới lòng đất ở Bình Định

TS Lê Đình Phụng (Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam) đánh giá rất cao những phát hiện khảo cổ mới đây tại phế tích tháp Chăm cổ Đại Hữu (trên 700 năm tuổi) đã làm hé lộ rất nhiều bí ẩn, bí mật và nét độc đáo của nghệ thuật, kiến trúc và đặc biệt là điêu khắc Chăm Pa tại đây.

Khối tháp Chăm đặc biệt

Sáng 31-7, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở VH-TT tỉnh này cùng với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức buổi báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ đợt 2 ở phế tích Đại Hữu (thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, Bình Định) với sự tham gia của hàng chục chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo cổ học.

>>> Clip toàn cảnh buổi báo cáo:

z5685178295809_a5feb2d9723522699a43fa8fea5209d8.jpg
Phế tích tháp Chăm Đại Hữu xuất lộ hình hài. Ảnh: VĂN TRIỆU

Tại buổi lễ, TS Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học, đã có báo cáo sơ bộ về kết quả khảo cổ đợt 2 tại phế tích Đại Hữu. Theo đó, phế tích tháp Đại Hữu được đề cập đầu tiên bởi nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier trong công trình nghiên cứu lý thuyết công bố năm 1909. Ông Henri đã mô tả sơ bộ vị trí của tháp Đại Hữu nhưng ban đầu ông chỉ mới suy đoán “có dấu vết hai kiến trúc tháp Chàm”...

z5685460808865_49e3e94f5e3e72f0440c75e07576f3aa.jpg
Chuyên gia khảo cổ đang lần theo vết tích của tháp Đại Hữu. Ảnh: ANH KHOA

Đến ngày 18-4-2023, Bộ VH-TT-DL quyết định đồng ý cho Sở VH-TT Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật phế tích Đại Hữu. Đợt khai quật đầu tiên 200m, đã làm phát lộ một phần tường tháp phía Bắc, phía Nam và phía Đông, thu được nhiều hiện vật như: mảnh đài thờ bằng đá sa thạch, các mảnh bia ký, đầu tượng Siva, hiện vật trang trí tháp… Qua đó, xác định đây từng là quần thể tháp Chăm cổ quy mô lớn.

DSC06418.JPG
TS Phạm Văn Triệu thông báo về các kết quả phát hiện trong khảo cổ phế tích Đại Hữu. Ảnh: NGỌC OAI

Năm 2024, Bình Định tiếp tục tổ chức khai quật đợt 2 tại phế tích Đại Hữu, bắt đầu ngày 5-7-2024 với diện tích 300m2. Kết quả đợt hai phát lộ được đầy đủ các tường của thân tháp; nền móng chân đế tháp; hố thiêng trong lòng tháp và 678 hiện vật như: chất liệu đá, bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, tượng động vật, phù điêu cánh sen, cối và chày đá cùng các chất liệu đất nung, đồ gốm giao thoa nhiều văn hóa Chăm, Việt, Trung, Nhật…

20240731_101245.jpg
DSC06552.JPG
Nhiều hiện vật khảo cổ đưa ra trưng bày. Ảnh: NGỌC OAI

Những phát hiện trên bước đầu đã xác định được quy mô kiến trúc và các giá trị nghệ thuật, lịch sử - văn hóa, niên đại… của phế tích Đại Hữu. Trong đó, niên đại tháp này khoảng thế kỷ 13, cách đây trên 700 năm.

Một phát hiện đặc biệt khác: thường thì các tháp Chăm đều được xây dựng chỉ trên 1 ngọn đồi, nhưng kiến trúc tháp Đại Hữu nằm trên 1 ngọn núi có 2 đỉnh. Qua đây, Viện Khảo cổ đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm bảo vệ quần thể phế tích Đại Hữu và nên tiếp tục mở các đợt khai quật rộng để đánh giá tổng thể giá trị tháp cổ này.

Còn nhiều bí mật cất sâu dưới lòng đất

Tại buổi công bố, TS Lê Đình Phụng cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có phản biện, đánh giá về kết quả khai quật đợt 2. Các ý kiến đều đánh giá rất cao những phát hiện mới và đề nghị ngành VH-TT tỉnh Bình Định nên tiếp tục mở các đợt khai quật để làm rõ giá trị phế tích tháp Chăm hơn 700 năm tuổi này.

DSC06473.JPG
Các chuyên gia trao đổi, phản biện tại buổi báo cáo. Ảnh: NGỌC OAI

TS Lê Đình Phụng cho biết, căn cứ vào nhiều phát hiện khảo cổ ở phế tích Đại Hữu cho chúng ta biết thêm rất nhiều bí ẩn, tài liệu nghiên cứu mới về các nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Lâu nay, các tài liệu đều dựa vào người Pháp trước đây để “dẫn đường”, lần này, chúng ta có được nguồn “tài liệu sống” độc lập, mới mẻ.

DSC06433.JPG
TS Lê Đình Phụng phát biểu tại buổi báo cáo. Ảnh: NGỌC OAI

TS Lê Đình Phụng cho rằng, trước đây, khi nghiên cứu, khai quật các phế tích, di chỉ tháp Chăm ở Bình Định và một số nơi, người Pháp đã từng lấy và vận chuyển 60 tấn đá từ các kiến trúc Chăm mang về nước đặt trong bảo tàng của họ. Song khi nghiên cứu kiến trúc tháp Chăm ở Việt Nam, người Pháp và các học giả khảo cổ đi trước đã “bỏ sót” nhiều bằng chứng khác nên chưa nhìn nhận, đánh giá tổng thể giá trị kiến trúc Chăm trên đất Việt. Minh chứng cho điều này nằm ở phát hiện mới tại phế tích Đại Hữu về nghệ thuật “viền trang trí 9 tầng đế tháp”.

DSC06564.JPG
Chuyên gia đang kiểm tra, đánh giá các mẫu vật quan trọng từ đợt khảo cổ thứ 2. Ảnh: NGỌC OAI
DSC06590.JPG
Mảnh minh văn tìm thấy từ khảo cổ. Ảnh: NGỌC OAI

Ngoài ra, theo ông Phụng, nhiều phát hiện về kiến trúc, điêu khắc ở tháp Đại Hữu có giá trị nghệ thuật, đẹp hơn rất nhiều so với những di tích, phế tích tháp Chăm ở Bình Định và các tỉnh lân cận. Trong đó, các mẫu di vật thể hiện phong cách điêu khắc Chăm viền trang trí cánh sen ở Đại Hữu rất độc đáo.

Ngoài ra, từ các phát hiện khảo cổ ở tháp Đại Hữu hé lộ nhiều khả năng người Chăm Pa trước đây đã tự tháo dỡ tháp cổ này, đưa nhiều hiện vật, kiến trúc điêu khắc quý đi cất giấu nơi khác. Theo tín ngưỡng, những hiện vật cất giấu chỉ quanh quẩn ở trong vùng Bình Định…

DSC06477.JPG
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Bình Định phát biểu đánh giá cao phát hiện khảo cổ và đề nghị ngành quản lý cần có hành động thiết thực để bảo vệ, phát huy di chỉ khảo cổ. Ảnh: NGỌC OAI

Thị Nại từng là thành phố biển giàu mạnh

Theo TS Lê Đình Phụng, nhiều phát hiện đã thể hiện được bằng chứng về thời kỳ hùng mạnh về kinh tế, giao thương thương mại, quân sự của vương triều Vijaya (Chăm Pa) với thành Đồ Bàn và "thành phố biển Thị Nại".

Dưới thời Vijaya, thành phố biển Thị Nại trở thành thương cảng sầm uất, thương thuyền khắp nơi trên thế giới tìm đến giao thương, buôn bán. Dưới thời kỳ của kinh đô ven biển giàu mạnh, người Chăm biển phóng khoáng đã rất quan tâm đầu tư kiến trúc tháp thờ các vị thần, nên hầu hết các quần thể tháp Chăm ở đây đều rất lớn so với nơi khác.

DSC06618.JPG
Bình Định không chỉ có hệ thống tháp Chăm đồ sộ mà còn có khối lượng cổ vật, bảo vật Chăm rất quý giá. Ảnh: NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục