
Dấu vết khu phố phía Tây cổ thành
1- Khu phế tích Giao Hà cách thành phố Tô Lô Phan (Tân Cương – Trung Quốc) 10km về phía Tây. Nhìn từ trên không, Giao Hà nằm trên một sơn khối cù lao khổng lồ hình lá liễu, tách biệt và nổi bật trên cao nguyên hoàng thổ vùng Tô Lô Phan. Dòng sông chảy đến từ phía Bắc, phân chia thành 2 nhánh bọc quanh Giao Hà và hợp dòng ở phía Nam. Khối núi dài 1.700m, ngang 300m và cao 30m so với mặt sông.
Thành cổ Giao Hà được xây dựng trên khối núi đó. Người Duy Ngô Nhĩ gọi thành cổ là “Duy Nhĩ Hòa đồ” nghĩa là “tòa thành dựng đứng” hay “tòa thành xây trên vùng đất cao”. Người Hán gọi là Giao Hà vì thành nằm ở trong khu vực giao nhau của sông. Trong Hán thư, Tây Vực truyện có ghi lại: “Xa Sư Tiền quốc vương trị vì thành Giao Hà, nước sông phân nhánh bao bọc quanh thành cho nên có tên là Giao Hà”.
2- Chúng tôi men theo một con dốc để đi vào khu phế thành Giao Hà từ cổng phía Nam. Tấm bảng lớn màu trắng bằng xi măng của thời đại mới ghi hàng chữ “Giao Hà cổ thành” xem ra quá phản cảm so với toàn cảnh kiến trúc cổ xưa. Ngay cửa ngõ vào thành là 2 khối đất đổ nát nhưng hình dạng của chúng cũng đủ để chúng tôi hình dung đến 2 tháp canh lớn. Vượt qua tháp canh là hình ảnh của một thành phố cổ với dáng vóc của những ngôi nhà, dinh thự, chùa chiền, đền đài… Điều lý thú là gần như tất cả nhà cửa ở đây đều được đắp bằng đất vàng, loại “hoàng thổ”. Ánh nắng chiều đã bớt gay gắt, chiếu xiên trên những khối kiến trúc càng làm nổi bật sự tương phản giữa 2 sắc màu đậm nhạt.
Cả một góc trời rực rỡ màu vàng của đất, màu của vùng hoang mạc, xa xôi và khắc nghiệt. Đứng ở một góc cổ thành phóng tầm mắt hướng về phía Bắc là dãy núi Hỏa Diệm sơn màu đỏ tía. Các cạnh quanh khối núi Giao Hà là vách đá thẳng đứng, phía dưới vực là dòng sông, bây giờ chỉ còn là những rãnh nước cạn kiệt. Cảnh vật thật cô quạnh, thê lương mang đậm màu sắc của trời đất thuở hồng hoang.
Con đường chính thẳng và rộng rãi, được lát bằng gạch khá bằng phẳng, dẫn chúng tôi đi xuyên dọc qua trung tâm của thành cổ. Hai bên đường là những vách tường nhà đổ nát đầy bụi. Người dân xưa kia ở đây có thói quen xây nhà nửa ở trên, nửa âm dưới đất theo kiểu nhà-hang. Cổng nhà không hướng ra phố chính mà chỉ có ngõ mới hướng ra phố.
Đây là lối cấu trúc theo kiểu kinh thành Trường An của nhà Đường. Những con ngõ ngoằn ngoèo, chật hẹp như dẫn du khách lạc vào không gian ảo của một đô thị thời cổ đại. Chốc lát chúng tôi lại bắt gặp một khối kiến trúc đổ nát có hình thù khá lạ mắt, có những lỗ, hốc gợi đến những kiểu khung cửa sổ, cửa ra vào rất độc đáo.
Ngay đoạn ở giữa của con đường chính trong vùng trung tâm cổ thành là một quan thự (chốn quan lại làm việc). Chốn công đường này cũng là một tòa nhà đào âm dưới mặt đất. Bước xuống bậc thang sâu chừng hơn 2m, chúng tôi đi đến một gian phòng khá lớn, có lẽ là đại sảnh, chỗ quan lại xử việc công. Nền lát gạch miếng rất cứng và bền - được làm bằng chính loại đất ở đây và nung khá lâu. Hai bên gian phòng có một hành lang khá dài nhưng bây giờ đã bị đất đá phủ kín. Hơn 2.000 năm, dưới bao lớp đất bụi thời gian, thật khó phân biệt đâu là dấu tích của thời Hán thuộc hay thời Đường.
Từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Giao Hà đã từng là kinh đô của vương quốc Xa Sư nằm trong sự khống chế của Hung Nô. Thời nhà Hán, sau khi đánh đuổi Hung Nô và chinh phục các nước Tây Vực, Hán Vũ Đế đã đặt “Mậu kỷ hiệu úy”- một chức quan lãnh binh và đặt doanh trại đóng quân tại Giao Hà. Vương quốc Tiền Xa Sư tồn tại đến giữa thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Các dấu tích còn lại của thời vương quốc Tiền Xa Sư có thể nhận dạng một cách tương đối rõ ràng có lẽ chỉ còn những ngôi nhà – hang nằm rải rác ở phía Đông Nam hoặc phía Bắc của thành và ở bên cạnh những ngôi mộ cổ gần các dòng nước ở phía Bắc và phía Tây.
Cổng phía Nam vào thành cổ
3- Tuy nhiên thời hưng thịnh nhất của thành Giao Hà là thuộc vương quốc Cao Xương của dòng họ Cúc (499-640 CN). Giao Hà lúc bấy giờ là thành phố lớn thứ hai ở vương quốc Cao Xương do thái tử trực tiếp nắm giữ binh quyền. Nhà Đường cũng đã đặt phủ binh tại đây khi thu phục Tây Vực. Khi ấy, phủ binh có Đô Du dịch quán để kiểm soát việc giao dịch buôn bán với nước ngoài, có các trạm kiểm tra việc giao thương, có nhà khách, xưởng sửa chữa xe cộ, kho hàng… và dĩ nhiên là không thể thiếu chợ, xưởng chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ mà nổi tiếng nhất là ngọc và đồ khảm bạc. Rất nhiều các di chỉ còn tồn tại cho đến ngày nay đều là kiến trúc thời Đường.
Nổi bật nhất là ngôi đại tự ở cuối con đường chính phía Bắc. Ngôi chùa có quy mô đồ sộ, căn cứ vào nền móng và 4 vách tường chung quanh. Bên trong khuôn viên còn sót lại dấu tích của một trụ tháp, nền đất của 3 dãy nhà. Phía sau tự viện là quần thể tháp Phật. Chính giữa là một tháp Phật rất lớn, cao 10m. Bốn góc, mỗi góc có 25 tháp nhỏ tạo thành thế trận hình vuông chầu quanh tháp lớn ở giữa. Trải qua bao cuộc bể dâu, quần thể tháp Phật chỉ còn 4 khối trụ đất đổ nát của tháp Phật ở giữa, nằm trơ trọi giữa những nền tháp nhỏ.
Một quần thể kiến trúc tháp Phật nguy nga, tráng lệ chỉ còn trong hoài niệm của một số rất ít người dân địa phương qua những câu chuyện kể truyền miệng. Bởi vì đến giữa thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, người Hồi Cốt (tổ tiên của người Duy Ngô Nhĩ sau này) đến cư ngụ và tái thiết thành cổ Giao Hà theo kiểu dáng mang màu sắc Hồi giáo.
Đến cuối thế kỷ 13, thành Giao Hà bị bỏ hoang một cách bí ẩn mà đến mãi bây giờ việc giải thích nguyên nhân chỉ là những lời phỏng đoán. Ở phía Tây của phế thành, người ta khai quật được một di chỉ - nghĩa trang chôn cất hơn 200 quan tài trẻ em. Với những gì tìm được, xem ra giả thiết Giao Hà bị một trận đại dịch hoành hành, tàn phá có lẽ là thuyết phục hơn cả.
4- Trên đường về, chúng tôi được các người mẫu địa phương mặc trang phục dân tộc của người Duy Ngô Nhĩ chào mời chụp ảnh lưu niệm. 20 tệ (khoảng 44.000đ Việt Nam) để được chớp bao nhiêu hình tùy thích bên các cô gái xinh như mộng, giá tiền xem ra cũng khá rẻ cho những du khách có tính thẩm mỹ. Giao Hà luôn đọng lại trong lòng khách những ấn tượng khó phai ngay từ cái đẹp trong hoang phế, từ bao điều kỳ bí .
Lê Quang