Ngày 10-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tọa đàm về chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) bổ sung trong dự án Luật BHYT (sửa đổi). Theo bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, BHYT bổ sung là nội dung mới được đề cập trong dự án Luật BHYT (sửa đổi). BHYT bổ sung nhằm mở rộng quyền lợi chăm sóc sức khỏe, giảm chi tiền túi của người dân nên trong dự án Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất xây dựng các nội dung liên quan đến BHYT bổ sung, thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn.
Bộ Y tế đề xuất xây dựng BHYT bổ sung để thêm quyền lợi và lựa chọn cho người bệnh |
“Hiện có một số dịch vụ chưa được BHYT thanh toán, như: khám sức khỏe định kỳ, chẩn đoán sớm một số bệnh, gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dành cho người già... nên Bộ Y tế đang nghiên cứu, đa dạng hóa mức đóng, đa dạng gói quyền lợi cho người bệnh thông qua BHYT bổ sung", bà Trần Thị Trang chia sẻ. Đồng thời cho biết, gói BHYT sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như: phần đồng chi trả; chi phí dịch vụ ngoài phạm vi được hưởng của BHYT gồm dịch vụ theo yêu cầu, thuốc, thiết bị y tế, các trường hợp không được BHYT chi trả.
Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trên thị trường bảo hiểm hiện có 50 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm là hơn 43 tỷ đồng. Trường hợp quy định BHYT bổ sung tại dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) cần nghiên cứu bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm; nghiên cứu, đánh giá khả năng liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại.