Sao Thủy là hành tinh gần nhất với Mặt trời, có nhiệt độ tới 430oC vào ban ngày và -180oC vào ban đêm. Một ngày trên sao Thủy bằng khoảng gần 3 tháng ở Trái đất. Trong thông báo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), camera gắn trên BepiColombo đã chụp lại các bức ảnh đen trắng (ảnh). Tuy nhiên, theo tờ Nature, khi BepiColombo đến vùng tối của sao Thủy, các điều kiện không thuận lợi cho việc chụp ảnh ở khoảng cách gần nhất với hành tinh, cách khoảng 199km, do đó, khoảng cách gần nhất có thể chụp ảnh là từ khoảng 1.000km.
Khu vực được hiển thị trong ảnh là một phần bán cầu Bắc của sao Thủy, bao gồm các miệng núi lửa rộng và một khu vực ngập dung nham hàng tỷ năm trước. Theo ESA, BepiColombo sẽ nghiên cứu tất cả khía cạnh của hành tinh bí ẩn này từ lõi đến các quá trình bề mặt, từ trường và ngoại quyển “để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và quá trình phát triển của một hành tinh gần với ngôi sao mẹ của nó”.
BepiColombo là sứ mệnh chung của ESA và Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), được khởi động vào năm 2018, trị giá 750 triệu USD. Trước đó, tàu vũ trụ chung này được dự kiến sẽ đến được sao Thủy vào ngày 5-12-2025, với tổng thời gian bay lên tới 7 năm cho quãng đường 9 tỷ km. Cho đến nay, tàu BepiColombo đã thực hiện thành công 4 chuyến bay ngang qua 3 hành tinh khác nhau gồm: lần 1 bay qua Trái đất (vào tháng 4-2020), 2 lần tiếp theo bay qua sao Kim (tháng 10-2020, tháng 8-2021) và gần đây nhất là sao Thủy (ngày 1-10).