Tỷ lệ tử vong cao
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị cho 2 bệnh nhân H.N.T. (43 tuổi, ngụ huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) và B.T.C. (59 tuổi, ngụ huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) mắc bệnh Whitmore. 2 người này nhập viện trong tình trạng sốt cao, rét run, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Kết quả cận lâm sàng cho thấy, người bệnh bị viêm và tràn dịch màng phổi hai bên, áp xe gan, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đang điều trị cho bệnh nhi T.T.D.M. (14 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”. Đầu tháng 8-2024, bệnh nhi nổi hạch ở vùng cổ nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, được chẩn đoán viêm hạch, cho thuốc về uống. Tuy nhiên, bệnh nhi không khỏi và bị áp xe phần mềm vùng cổ phải, phải nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để mổ lấy hạch. Mẫu bệnh phẩm gửi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM làm xét nghiệm, kết quả bệnh nhi dương tính với vi khuẩn B. pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore, chưa rõ nguồn lây.
Trước đó, giữa tháng 8-2024, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) điều trị cho 4 trường hợp mắc bệnh Whitmore. Trong đó có 2 trường hợp cao tuổi nhập viện trong tình trạng rất nặng, có nhiều bệnh nền.
TS-BS Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, bệnh Whitmore là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật, xuất hiện nhiều nơi trên thế giới nhưng tập trung ở khu vực Bắc Australia và Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam. “Bệnh Whitmore gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác. Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, số trường hợp mắc bệnh này tương đối ít, khoảng 20 trường hợp mỗi năm”, TS-BS Lê Bửu Châu thông tin.
Cảnh giác trong mùa mưa, lũ
Theo TS-BS Lê Bửu Châu, vi khuẩn B. pseudomallei xâm nhập vào cơ thể người qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn nhưng không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động phù hợp có nguy cơ cao mắc bệnh này. Ngoài ra, nguyên nhân mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn hay dùng nước uống, thức ăn có vi khuẩn B. pseudomallei chưa được xử lý đúng cách. Cùng với đó, sau các đợt mưa lũ, vệ sinh môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển…
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tần suất mắc cao nhất là ở lứa tuổi từ 40-60. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây nhiều thể lâm sàng và gây các bệnh như: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết - sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn da mô mềm (ápxe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào), ápxe đa cơ quan (ápxe gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, ápxe đa ổ ở mô dưới da)….
Triệu chứng của bệnh có thể cấp tính như sốt cao, suy hô hấp, tụt huyết áp, hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người. Thậm chí có biểu hiện lâm sàng giống bệnh lao. Đây là bệnh nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ tử vong cao. Một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu người bệnh không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Hiện bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Theo các chuyên gia y tế, biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn (đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh gan mạn…) bằng cách sử dụng đồ bảo hộ như mang găng tay cao su, đi ủng.
“Khi có vết thương nhiễm bẩn đất hoặc nước môi trường, cần rửa sạch vết thương ngay với xà phòng và nước sạch. Cần che chắn vết thương hở, tránh tiếp xúc với đất hoặc nước cho đến khi vết thương lành hoàn toàn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý, có thể nhiễm vi khuẩn. Khi cơ thể có những dấu hiệu không khỏe, không nên tự điều trị mà cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị sớm”, TS-BS Lê Bửu Châu khuyến cáo.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Whitmore không phải bệnh lạ và bệnh mới xuất hiện trở lại, người dân không nên hoang mang. Tuy là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, nhưng hiện đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị, nên bệnh có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển. Các ca bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, nên người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.