Bất cập ở đây là bệnh nhân không biết mình sẽ được điều trị tiếp theo như thế nào khi việc xạ trị gián đoạn, đến một nơi khác thì phải làm các thủ tục xét nghiệm kiểm tra lại…
Đến khoa Xạ trị của của BV Ung bướu Đà Nẵng những ngày cuối tuần qua, các phòng bệnh vắng vẻ, chỉ vài bệnh nhân và gia đình ở lại chờ BV sửa máy. Một số người cho biết, nhiều bệnh nhân đã được gia đình chuyển đến các BV khác điều trị.
Phòng bệnh trở nên vắng vẻ do nhiều bệnh nhân tự xuất viện
Theo gia đình chị L.T.K. ở Điện Bàn: Từ khi máy hư, gia đình không biết làm sao, BV chỉ thông báo, bệnh nhân ai muốn chuyển đi đâu thì BV sẽ hỗ trợ chuyển. Tuy nhiên, BV Đa khoa và BV C cũng quá tải, thủ tục bảo hiểm phức tạp nên nhiều bệnh nhân chỉ biết chờ.
Đến sáng 17-8, ban giám đốc BV thông báo cho các bệnh nhân đang còn ở lại tại BV sẽ được chuyển đến BV C để xạ trị.
Bệnh nhân N.B.T. ở Tam Kỳ, cho biết ông bị u xơ thanh quản đang xạ trị 5 tia trong tổng số pháp đồ điều trị 20 tia. Gần cả tháng nằm chờ tại BV, gia đình không có điều kiện chuyển đi, giờ nghe thông báo không biết phải làm sao.
Cũng giống như ông T., bệnh nhân L.V.C. ngụ tại Thăng Bình cho biết, đang điều trị thực quản, đã mổ xong, chờ máy xạ trị để được điều trị tiếp. Máy hư, ông phải nằm chờ.
Bệnh nhân tái khám tại khoa Xạ trị của của BV Ung bướu Đà Nẵng
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BV Ung bướu Đà Nẵng, ông cho biết : “BV kế thừa thiết bị cũ được trang bị cách đây 5 năm, cách đây vài tuần máy chủ bị hư, vừa rồi kỹ sư nước ngoài đến và đã xác định được lỗi, BV đang tiến hành sửa chữa. Hiện tại, kinh phí sửa chữa dự toán gần 3 tỷ đồng, BV đang tổ chức thực hiện sửa chữa theo đúng quy trình. Giải pháp tình thế của BV là hợp đồng, phối hợp liên kết với BV C. Bác sĩ và kỹ thuật của BV Ung bướu sẽ theo xe chở bệnh nhân đến phối hợp với bác sĩ ở BV C cùng xạ trị cho bệnh nhân”.
Theo báo cáo của BV, tổng số lượng ngày điều trị xạ trị từ ngày 1-1-2013 đến nay là 40.334 ngày và tổng số trường chiếu xạ: 122.791 trường chiếu. Máy đã hết thời hạn bảo hành.
Bác sĩ chuyên khoa II, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Xạ trị BV Ung bướu Nguyễn Hồng Long chia sẻ: “Tùy theo bệnh của bệnh nhân mà có phương pháp xạ khác nhau. Vấn đề vướng mắc là từ BV Ung bướu chuyển xuống BV C bảo hiểm sẽ không thanh toán, vậy nên BV Ung bướu bắt buộc phải cho xuất viện, sau đó bệnh nhân phải làm thủ tục chuyển viện lại từ địa phương. Như vậy, cũng sẽ mất nhiều thời gian nên rất nhiều bệnh nhân quyết định chờ máy sửa xong”.
Bác sĩ Long cho biết thêm: “Việc bệnh nhân chờ 2 đến 3 tuần để điều trị tiếp sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, trừ những diện phẫu thuật. Theo nguyên tắc trong xạ trị, tia phóng xạ có thời gian suy giảm, nếu phác đồ điều trị 30 tia và bệnh nhân đã được điều trị 15 tia, tức còn 15 tia nhưng do thời gian gián đoạn kéo dài có thể sẽ tăng liều sau đó lên 16 hoặc 17 tia để đạt được liều liên tục, tùy theo từng bệnh nhân và sức chịu đựng. Hơn nữa, xạ trị chỉ là 1 trong 4 phương pháp điều trị ung thư. Xạ trị không phải là vấn đề chỉ định tuyệt đối, vậy nên việc ngưng gián đoạn cũng không ảnh hưởng nhiều lắm. Tuy nhiên, nếu để quá lâu (trên 2 tháng) sẽ bị tái phát tại chỗ”.