“Bệnh viện tuyến huyện đang bơi mà không có phao cứu sinh”

Chiều 29-5, tiếp tục thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ quan tâm đến hiệu quả hoạt động của ngành y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bao gồm cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định). Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định). Ảnh: VIẾT CHUNG

Nhấn mạnh yêu cầu đầu tư, hỗ trợ cho y tế tuyến huyện, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) ví von: “Bệnh viện tuyến huyện đang bơi mà không có phao cứu sinh”.

Tranh luận về ý kiến phát biểu trước ông về nhu cầu đầu tư cho y tế cấp cơ sở, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, thực ra tập trung đầu tư cho y tế tuyến huyện sẽ hiệu quả hơn. Bởi, y tế tuyến huyện quản lý số lượng lớn nhất bệnh nhân, người dân, cũng là nơi hệ thống y tế xuống cấp nhiều nhất cả về nhân lực và cơ sở vật chất.

QC CHÉO.jpeg
Quang cảnh phiên họp, chiều 29-5

“Qua tiếp xúc với lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện, tôi thấy dường như họ đang bơi nhưng không có phao cứu sinh. Bệnh nhân có điều kiện sẽ đi lên tuyến trên, những người ở lại là người không có điều kiện, hoặc bệnh nặng. Kéo theo đó là gánh nặng tự chủ của các bệnh viện”, ĐB chia sẻ.

“Trước thực tế này, thời gian qua, chúng tôi đã tập trung hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai, đưa bác sĩ nội trú xuống huyện, chuyển giao kỹ thuật, khám chữa bệnh từ xa. Sau 2 năm, hiệu quả thể hiện rất rõ: tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 3,7%, kỹ thuật tuyến huyện thực hiện được tăng lên 12%; nhiều bệnh nhân được chữa khỏi mà không cần lên tuyến trên”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói thêm.

Từ thực tiễn đó, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Chính phủ tập trung hỗ trợ, đầu tư cho y tế tuyến huyện; Bộ Y tế phân công các bệnh viện trung ương phụ trách 1 hoặc 2 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, từng bước nâng cao năng lực của y tế cơ sở.

YẾN.jpeg
ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Cũng trong lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Dẫn số liệu đã được công bố, ĐB cho biết, Việt Nam có tỷ lệ đột quỵ và đột quỵ do tăng huyết áp dẫn đầu thế giới, ước tính 218/100.000 dân. Điều này có nghĩa là, với dân số 100 triệu người, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 ca mỗi năm.

ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để giảm thiểu bệnh lý này; đồng thời bổ sung vào danh mục thuốc và nâng mức thanh toán đối với các loại thuốc bảo hiểm y tế cần thiết để điều trị, phòng ngừa các loại bệnh và bệnh lý ác tính thường gặp.

MINH TÂM 29.jpeg
ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)

Bàn về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhận định, một trong những ưu thế của Việt Nam là có nhiều món ăn ngon, được bạn bè quốc tế yêu thích, nhưng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Thậm chí ngay cả những cửa hàng, cửa hiệu đã gây dựng được thương hiệu cũng vi phạm.

“Trước tình trạng các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên quy mô rộng và loại hình đa dạng như hiện nay, theo thống kê 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ với 835 người bị ngộ độc (trong đó có 3 người tử vong), đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố”, nữ ĐB khuyến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng cung cấp của từng cơ sở bán hàng lưu động, đường phố.

Tin cùng chuyên mục