Co kéo thu - chi
Khi lương cơ bản tăng từ ngày 1-7, một bệnh viện tuyến quận, huyện tại TPHCM phải chi thêm khoảng 800 triệu đồng/tháng cho 250 nhân sự. Mặc dù biết trước lộ trình tăng lương và có phương án tăng nguồn thu, nhưng giám đốc bệnh viện này không tránh được tiếng thở dài: “Từ đầu năm, chúng tôi triển khai nhiều giải pháp, đảm bảo thuốc men, trang thiết bị hóa chất, tăng thu hút người bệnh. Tuy nhiên, số lượng người đến khám tăng khoảng 16% so với cùng kỳ, không theo kịp và không đủ đáp ứng cho việc chi tăng lương”.
Theo vị giám đốc này, bệnh viện có rất nhiều khoản phải chi nhưng nguồn thu lại cố định, chênh lệch thu - chi không nhiều. “Đợt này cải cách tiền lương quá lớn, thu nhập tăng thêm cũng lấy từ nguồn này nên các quỹ khác sẽ bị hụt. Đơn vị nào có tích lũy nhiều, co kéo tốt thì đỡ. Như bệnh viện tôi, thực sự chưa biết năm nay có tiền thưởng tết cho anh em không”, vị giám đốc bệnh viện lo lắng.
Cùng quan điểm, BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TPHCM), cho biết, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng nhưng giá dịch vụ y tế giữ nguyên sẽ khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong việc cân đối thu - chi. Nếu trích quỹ lương quá nhiều thì quỹ phát triển sự nghiệp có thể bị giảm, việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế sẽ khó hơn. Thêm vào đó, thời điểm tăng lương rơi vào giữa năm nên ảnh hưởng đến kế hoạch và hoạt động của các bệnh viện.
“Đời sống người lao động tăng lên là điều đáng mừng. Tuy nhiên, bệnh viện phải có phương án để tăng nguồn thu - một thách thức trong bối cảnh hiện nay. Các bệnh viện quận, huyện cần tăng số đầu thẻ BHYT, phát triển các loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh”, BS Trần Phủ Mạnh Siêu bày tỏ.
Trong khi đó, TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, phân tích, lương cơ bản tăng 30% từ ngày 1-7 kéo theo một số chế độ chính sách khác cũng tăng, ví dụ như thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của HĐND TPHCM. Bệnh viện Ung bướu TPHCM có hơn 1.700 cán bộ, viên chức thụ hưởng chính sách này. TS Diệp Bảo Tuấn mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành giá dịch vụ y tế mới theo lương cơ bản mới.
“Thực ra hiện nay, giá dịch vụ y tế chỉ bao gồm 4/7 yếu tố, trong khi nhiều chi phí phải bù thêm, như chi phí về công nghệ thông tin, đào tạo, quản lý… Trong thời đại chuyển đổi số, việc đầu tư công nghệ thông tin rất lớn mà chưa được cơ cấu vào giá thì khó cho các bệnh viện”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn chia sẻ.
Nâng cao năng lực quản lý tài chính
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau nhiều năm thực hiện tự chủ, các bệnh viện vẫn còn khó khăn do giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ. Đến nay, lại thêm nỗi lo phải tính toán nguồn để tăng lương cho nhân viên theo quy định.
“Giám đốc các bệnh viện đang đau đầu suy nghĩ nguồn tiền để tăng lương cho nhân viên, không khéo sẽ rơi vào tình trạng âm vì thu nhỏ hơn chi”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.
Vì vậy, PGS-TS Tăng Chí Thượng đề nghị giám đốc các bệnh viện công lập phải nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản lý tài chính. Đó không chỉ là năng lực của phòng tài chính kế toán mà còn của các phòng chức năng, do liên quan đến công tác tài chính của mỗi bệnh viện.
“Các đơn vị phấn đấu giữ hạng khi đánh giá xếp hạng lại vào cuối năm 2024 theo quy định. Kết quả tự đánh giá vừa qua cho thấy có nhiều bệnh viện rớt hạng, đồng nghĩa với nguồn thu sẽ giảm sút, ảnh hưởng đến cân đối tài chính bệnh viện. Sở Y tế đang tham mưu UBND TPHCM gia hạn thêm 1 năm, nghĩa là đến cuối năm sau mới đánh giá, xếp hạng bệnh viện vì quy định mới có nhiều điểm khó, các cơ sở cần thời gian để phấn đấu”, PGS-TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viện đã xây dựng phương án giá đề xuất Bộ Y tế thẩm định, quyết định về thay đổi giá khám chữa bệnh.
Theo đó, dự kiến giá khám chữa bệnh BHYT tăng khoảng 15%-20% với hơn 8.000 dịch vụ, kỹ thuật. Quỹ lương của Bệnh viện Bạch Mai tăng lên 10-12 tỷ đồng/tháng với việc trả lương theo quy định mới. Nếu Bộ Y tế chậm duyệt mức giá khám chữa bệnh BHYT theo cơ cấu lương mới, bệnh viện sẽ gặp khó khăn về tài chính.
Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế TPHCM kiến nghị UBND TPHCM sớm phê duyệt đề án tự chủ bền vững cho các bệnh viện công lập trên địa bàn, có cơ chế hỗ trợ bệnh viện; đề xuất HĐND TPHCM sớm thông qua mức trích lập nguồn cải cách tiền lương xuống còn 10% hoặc 16%, tùy theo mức độ tự chủ.
Theo PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, tăng lương cơ sở 30% là sự nỗ lực, cố gắng của Nhà nước. Với ngành y tế, thực hiện cải cách tiền lương tương thích với những đặc thù về yêu cầu đào tạo, đào tạo liên tục và làm việc cường độ cao, trách nhiệm nặng nề…
Tuy nhiên, 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố. Chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hàng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không điều chỉnh theo kịp. Vì thế, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất cần sớm ban hành cơ cấu giá đầy đủ yếu tố, tính đúng, tính đủ, giúp bệnh viện có cơ sở trả lương theo mức điều chỉnh mới.