Nhiều nơi thiếu thuốc, vật tư y tế
Một số người bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phản ánh, trong hơn 1 tháng qua, khi họ có lịch truyền hóa chất theo định kỳ, nhưng khi đến bệnh viện thì được thông báo loại thuốc trong danh mục được Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 50% của bệnh viện đã hết và bệnh viện phải hẹn lịch truyền tới đợt khác khi có thuốc về. Trước đó, một số mặt hàng thuốc tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT phải ra ngoài mua thuốc. Hồi tháng 4, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hết một số loại thuốc trong danh mục BHYT chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn từ 6-15 triệu đồng.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, những bệnh nhân có chỉ định mổ thay thủy tinh thể đều không thể thực hiện được vì bệnh viện không còn thủy tinh thể dự trữ. Ngoài việc hẹn bệnh nhân lịch mổ vào đợt khác, bệnh viện đã thực hiện điều trị bằng laser tạm thời cho những bệnh nhân mà thủy tinh thể đã bị đục. Theo một số bác sĩ, hiện tại những vật tư nhỏ thì có thể chỉ định mua sắm trực tiếp được, nhưng những cái lớn thì bắt buộc phải chờ. Trường hợp quá cấp thiết thì chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác mà họ đang có đủ vật tư để bệnh nhân được can thiệp kịp thời.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, đối với gói thầu mua sắm tập trung thuốc năm 2022 thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương, sở đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng số danh mục trúng thầu chỉ là 21/55 danh mục, hiện còn 34/55 danh mục thuốc chưa trúng thầu trong danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương. Đối với gói thầu mua sắm tập trung quốc gia và đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia thực hiện, mặc dù đã có 2 văn bản hướng dẫn, nhưng việc hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện của Sở Y tế Thái Bình còn chậm.
Ảnh hưởng dây chuyền
Theo nhiều chuyên gia, thực trạng thiếu thuốc điều trị và vật tư y tế tại các bệnh viện là ảnh hưởng dây chuyền của các khó khăn mà ngành y tế gặp phải. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là các hạn chế, bất cập trong việc triển khai các quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Một số chính sách trong lĩnh vực dược đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện.
Một nguyên nhân khác, đó là xuất phát từ thực trạng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu ở lĩnh vực y tế thời gian gần đây, khiến cán bộ y tế e ngại, sợ làm sai. Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã gặp gỡ nhân viên y tế chuyên trách công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố để nắm tình hình.
Phía các bệnh viện đều có chung một mong muốn: sớm có hướng dẫn rõ ràng hơn, đồng thời cần có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn để bảo vệ nhân viên y tế trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.
Theo đại diện một bệnh viện, hiện các cán bộ y tế phụ trách cung ứng vật tư y tế, mua sắm và bảo trì các trang thiết bị y tế đều đứng giữa 2 yêu cầu chính đáng nhưng luôn đối nghịch nhau: Một mặt, phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong bệnh viện luôn muốn có những vật tư, thiết bị y tế tốt nhất cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân; mặt khác, phải tuân thủ yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để đảm bảo giá mua là giá thấp nhất.
Để gỡ khó cho vấn đề này, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, hướng dẫn, quy định cụ thể hơn, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các bệnh viện thực hiện việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, đồng thời tránh tình trạng tham nhũng, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
* Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam: Tăng tính tự chủ cho bệnh viện |