Vừa hoạt động vừa chờ “hồi sức”
Ngồi ăn vội hộp cơm từ thiện vừa được phát, chị Đ.T.L. (ngụ Vĩnh Long) chốc chốc lại dõi mắt vào tấm bảng điện tử chờ thông tin người nhà. Chị cho biết, nửa năm qua, chị một mình chăm chồng bị ung thư gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), mỗi lần tái khám, chồng chị phải chụp CT để bác sĩ đánh giá khối u. Từ đầu tháng 2 đến nay, chị phải chờ đến 3 ngày mới nhận được kết quả chụp CT vì bệnh viện thiếu vật tư, hóa chất. Phác đồ điều trị của chồng chị cũng vì thế mà kéo dài.
Ngổn ngang, mệt mỏi cũng là tâm trạng của anh N.T.B. (44 tuổi, ngụ Bạc Liêu) mắc u ác vòm mũi khi được bệnh viện “cho về nhà nghỉ ngơi” vì thiếu hóa chất xạ trị. Nóng ruột vì phải chờ đợi, con trai anh B. phải lặn lội hơn 300km từ Bạc Liêu lên Bệnh viện Chợ Rẫy để hỏi, thì vẫn nhận được câu trả lời: “Chờ điện thoại!”.
Lý giải tình trạng bệnh nhân mỏi mòn chờ hóa trị, xạ trị, bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện có 4 máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động. Số máy còn lại đã “đóng băng” gần một năm qua. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện có gần 400 bệnh nhân ung thư cần xạ trị, nhưng với trang thiết bị hiện tại khiến bệnh viện không thể đáp ứng nhu cầu thực tế, mặc dù hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng từng là niềm tự hào của Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2018, bệnh viện là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đưa vào sử dụng hệ thống xạ trị hiện đại này. “Hiện 2/4 máy dừng hoạt động từ quý 2-2022 vì đã hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì nhưng vướng các vấn đề đấu thầu. Nếu xạ trị không đúng kế hoạch điều trị, việc kiểm soát bệnh chắc chắn sẽ không tốt”, bác sĩ Nguyễn Văn Đô cho biết.
Còn tại Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội), cơ sở điều trị ngoại khoa lớn nhất ở phía Bắc, hàng ngày tiếp nhận hơn 2.000 người đến thăm khám, điều trị, nhiều tháng qua luôn rơi vào tình thiếu thuốc men, vật tư, hóa chất phục vụ công tác chuyên môn. Từ ngày 1-3, bệnh viện đã phải hạn chế các ca mổ phiên nhằm dành vật tư hóa chất cho mổ cấp cứu. Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức trong ngày đầu tiên của tháng 3 cho thấy, lượng bệnh nhân tới khám vẫn rất đông. Tại khu vực như xét nghiệm, chiếu chụp X-quang, siêu âm, cho tới trưa vẫn còn hàng trăm người chờ đợi để được thực hiện các chẩn đoán lâm sàng. Trong khi tại khu vực phẫu thuật, nhiều phòng mổ vẫn sáng đèn phục vụ người bệnh.
GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, bệnh viện phải gồng gánh nhiều vấn đề vì một số hóa chất phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết. Tuy nhiên không phải vì thế mà bệnh viện dừng hoạt động. Với những bệnh nhân tới viện, nếu cấp cứu nguy hiểm tới tính mạng buộc phải phẫu thuật thì bệnh viện vẫn ưu tiên thực hiện. Với những bệnh nhân khác, bệnh viện vẫn tiếp nhận và sắp xếp lịch mổ khi có hóa chất, vật tư y tế.
“Việc phải sắp xếp mổ phiên là cực chẳng đã, nhưng bệnh viện không chấp nhận việc để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người”, GS-TS Trần Bình Giang thông tin.
Nhiều giải pháp được đề xuất, nhưng…
Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thời gian qua, đơn vị đã nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc về mua sắm, thiếu thiết bị y tế, nhưng kết quả vẫn chưa khả thi. Theo người đứng đầu Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngày 1-1-2022 Nghị định 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì. Vì vậy, bệnh viện phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
“Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh”, TS-BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ và cho biết, máy siêu âm, thậm chí gói thầu đặt stent mạch vành cũng trong tình trạng không đủ 3 báo giá. Bệnh viện đứng trước nguy cơ chỉ có thể đặt stent với những bệnh nhân cấp cứu, còn các trường hợp đặt chương trình phải chờ. Họ đều là các bệnh nhân nặng.
Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhiều cơ sở y tế tại thành phố đã nỗ lực thực hiện các giải pháp mua sắm thuốc, trang thiết bị phục vụ người bệnh nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các cơ sở y tế ở TPHCM có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành...) bị vướng vì không thể đấu thầu. Các trang thiết bị đặc thù, riêng biệt chỉ có một hoặc 2 nhà sản xuất nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá theo quy định. Bên cạnh đó, giá kê khai và công khai của cấu hình, trang thiết bị y tế trên cổng thông tin chưa thực hiện đầy đủ chi tiết, tính năng chưa được kiểm soát nên việc các cơ sở y tế tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.
Nhiều trang thiết bị (hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao) theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp, đã hết hạn khiến cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám chữa bệnh. Cũng theo quy định, tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa của cơ sở y tế đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng, kể cả các gói thầu mua sắm thuốc. Tuy nhiên, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được. Hàng năm, Sở Y tế TPHCM có hàng ngàn gói thầu nhưng khi số lượng gói thầu vượt trên 300 khoản thì gần như không đăng tải được trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
“Nếu tiếp tục duy trì các quy định hiện hành, trong thời gian sắp tới (khoảng 2-3 tháng) tình trạng thiếu trang thiết bị tại các cơ sở y tế sẽ xảy ra. Lúc đó, các cơ sở y tế sẽ không đảm bảo được công tác khám chữa bệnh”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
Trước những khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã cùng với các bộ, ngành chức năng khẩn trương họp bàn để có các giải pháp tháo gỡ. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị. Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định về sử dụng vốn nhà nước để mua sắm.
“Cùng với các kiến nghị về những giải pháp trên thì trước mắt Bộ Y tế đã hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng đối với dự thảo sửa đổi Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT để trình Chính phủ ban hành trong đầu tháng 3 này và khi nghị quyết này được ban hành sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế trong công tác khám chữa bệnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thừa Thiên - Huế: Chưa bị tác động
Theo ông Lê Văn Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, các bệnh viện thuộc sở vẫn còn khả năng đảm bảo việc cung ứng thuốc men, vật tư y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân; các gói thầu thuốc còn hiệu lực và cơ số thuốc, vật tư y tế đảm bảo. Thừa Thiên - Huế còn có các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn và các cơ sở này có sự phối hợp, liên thông chặt chẽ với Sở Y tế nên chưa bị tác động bởi tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế như một số nơi khác.
VĂN THẮNG