Đây là ca phẫu thuật ghép thận với quy trình hoàn chỉnh đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 175, đánh dấu cột mốc mới trong chuyển giao công nghệ giữa Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trước đó, bệnh nhân Đ.T.P. là quân nhân, sinh năm 2002, sinh sống tại Gia Lai, hiện đang công tác tại Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối hơn 1 năm phải lọc màng bụng. Bệnh nhân được cha là ông Đ.V.H. (sinh năm 1972) hiến tặng thận.
Sau ghép, bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để bảo vệ thận ghép. Ngoài ra, do suy giảm sức đề kháng, bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng, nên bác sĩ phải luôn đồng hành cùng người bệnh sau khi ghép.
Sau 4 tuần ghép thận, người nhận thận đã khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường, tiểu tốt, thận ghép hoạt động ổn định. Người nhận thận được xuất viện và chăm sóc điều trị tại đơn vị, định kỳ tái khám để đánh giá chức năng thận ghép và sử dụng phác đồ chống thải ghép phù hợp, cũng như kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Bên cạnh đó, người hiến thận đã ra viện sau 2 tuần, tình trạng sức khỏe ổn định và trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày, đến nay đã có thể đi lại để thăm con.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Quân y 175 sẽ triển khai thường quy kỹ thuật ghép tạng. Việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật ghép tạng góp phần giúp cho người dân trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đặc biệt là các trường hợp quân nhân sẽ được hỗ trợ các kinh phí khi đăng ký phẫu thuật.
Dịp này, Bệnh viện Quân y 175 được Bộ Y tế công nhận là cơ sở y tế thứ 25 thực hiện kỹ thuật ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não. Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 175 sẽ là tiền đề để thực hiện tiếp tục các kỹ thuật cao trong đề án ghép tạng thời gian tới đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt bao gồm các kỹ thuật như ghép thận, ghép gan, ghép tim…