Theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cơ sở này vừa ghép gan thành công cho một bé gái mắc hội chứng hiếm gặp Budd – Chiari.
Cụ thể, bệnh nhi hơn 3 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, nhập viện liên tục vì xuất huyết tiêu hóa, bụng báng, suy dinh dưỡng. Các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy trẻ bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ dưới, xơ gan, nhu mô gan thoái hóa, xuất huyết.
Sau khi chẩn đoán mắc hội chứng hiếm gặp, trẻ điều trị nội khoa 2 năm. Đến năm 2024, trẻ có chỉ định ghép gan và được thực hiện thành công vào ngày 1-7. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ ghép gan cho trẻ bị hội chứng Budd – Chiari, còn trước đó ghép chủ yếu cho trẻ teo đường mật bẩm sinh.
TS-BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ghép gan - Gan mật tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, cơ sở này đã thực hiện 36 ca ghép gan kể từ khi bắt đầu triển khai. Đáng chú ý, riêng 2 năm qua có đến 24 trường hợp ghép gan, gấp đôi số ca của 15 năm trước đó, có thể xem là đột phá. Tuy nhiên, ghép gan trẻ em mới chỉ đi những bước đầu tiên, cần phải làm nhiều hơn và nhanh hơn, mở rộng chỉ định để cứu được nhiều trẻ nhỏ hơn.
BS Trần Thanh Trí phân tích, mỗi năm, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi tại TPHCM thực hiện khoảng 150 ca phẫu thuật teo đường mật bẩm sinh. Khoảng 35 ca trong đó cần ghép gan, nếu không thì sẽ tử vong. Trong khi đó, Việt Nam thiếu các trung tâm ghép tạng trẻ em, thiếu nguồn tạng hiến dù nhu cầu rất cao. Về chi phí, trung bình mỗi ca ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2 dao động từ 600 triệu - 700 triệu đồng. Trong đó, BHYT chi trả một phần, người nhà chi trả khoảng 300-400 triệu đồng.
Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân suy thận có nhiều lựa chọn điều trị như chạy thận, thẩm phân phúc mạc, thay thận, thì bệnh nhân suy gan chỉ có có thể chờ ghép gan. "Vì vậy, bệnh viện phải chạy đua với thời gian, cố gắng để nhiều bệnh nhi được ghép gan nhất có thể", BS Trần Thanh Trí nói.
Bệnh viện Nhi đồng 2 là một trong các bệnh viện nhi đầu tiên tiến hành ghép thận và ghép gan cho trẻ em từ rất sớm. Ca ghép thận đầu tiên được thực hiện từ năm 2004 và ghép gan từ năm 2005. Đến nay, bệnh viện thực hiện 36 ca ghép gan, 30 ca ghép thận, chủ yếu từ người cho sống là cha mẹ của bệnh nhi.
TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tháng 4-2024, Bộ Y tế thẩm định và công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não. Hiện nay, bệnh viện tự tin về hệ thống phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, bác sĩ liên tục được đào tạo ở nước ngoài, làm chủ hầu hết các công đoạn ghép tạng.
Bên cạnh đó, công tác ghép tạng còn có sự hỗ trợ của các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và các chuyên gia quốc tế. Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã triển khai ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc. Trong thời gian tới, trung tâm ghép tạng hình thành, bệnh viện sẽ hướng đến ghép tim.