Theo bác sĩ Mai Tấn Liên Bang, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, hệ thống cộng hưởng từ Multiva 1.5T cho phép chụp cộng hưởng từ thường quy mang đến chất lượng hình ảnh cao, rõ nét, thuận lợi trong việc chẩn đoán trong các lĩnh vực thần kinh, sọ não, cơ xương khớp, ổ bụng. Công nghệ oStream ứng dụng trên hệ thống cho phép chuyển đổi tín hiệu từ analog sang digital ngay trong phòng chụp, mang tới độ đồng nhất về dữ liệu tín hiệu so với công nghệ truyền thống ADC (analog- digital conversion) trước đây.
Việc đưa vào hoạt động máy cộng hưởng từ Multiva 1.5T có ý nghĩa rất lớn cho việc chủ động tối đa trong công tác chẩn đoán, điều trị. Đồng thời, cũng giúp nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro khi phải di chuyển bệnh nhi để chụp MRI ở bên ngoài.
“Thời gian gây mê và chụp mất khoảng 20-30 phút/ca. Do vậy, mỗi ngày bệnh viện có thể thực hiện tối đa 16-24 ca/ngày. Điều này giúp cho việc điều trị được nhanh và thuận lợi, an toàn hơn”- bác sĩ Bang cho hay.
Theo số liệu thống kê tại phòng KHTH bệnh viện, từ năm 2011-2018, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã gửi bệnh nhi đến các đơn vị y tế khác trên địa bàn TPHCM để chụp MRI là hơn 7.300 ca. Thời gian có kết quả thường sau 1 ngày. Tuy nhiên, muốn thực hiện kỹ thuật chụp MRI trên trẻ em, bệnh nhân phải được gây mê nên không có nhiều đơn vị thực hiện kỹ thuật này. Khác với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X không an toàn với trẻ em. Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật hiện đại trong y khoa, sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ảnh. Đến nay, các nhà khoa học đều chưa cho thấy tác hại của từ trường máy MRI đối với cơ thể, nên chụp MRI là phương tiện chẩn đoán khá an toàn đối với trẻ em, kèm thêm ưu thế tạo ảnh với độ phân giải cao rõ nét, giúp các bác sĩ có thể nhìn thấy các cấu trúc nội tạng bên trong cơ thể, từ đó phát hiện và chẩn đoán sớm, chính xác các bệnh lý ở trẻ em như: dị tật bẩm sinh, u, viêm… |